Viện Tim mạch kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Đức Trân 08/11/2019 16:15

Sáng ngày 8/11 tại Hà Nội, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho một số đơn vị, cá nhân.

Viện Tim mạch kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Tham dự buổi Lễ có, Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Bà Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai được thành lập ngày 11/11/1989, đến nay Viện đã tròn 30 tuổi. Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, trở thành Viện chuyên khoa đầu ngành trên cả nước và ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trong cả nước.

Chức năng số một của Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai là khám và điều trị các bệnh nhân Tim mạch với ứng dụng kỹ thuật cao bao gồm 3 lĩnh vực tim mạch: nội khoa, can thiệp và phẫu thuật ở cả hai đối tượng: người lớn, trẻ em. Đồng thời, đào tạo và chỉ đạo tuyến - với trách nhiệm cao nhất của Viện Tim mạch đầu ngành.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Viện đã có những sự thay đổi đáng kể. Từ chỗ chỉ có 55 giường bệnh với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu... đến nay Viện Tim mạch Việt Nam đã có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, các thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị Tim mạch Can thiệp với 6 phòng máy, một đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại. Đội ngũ nhân lực đạt gần 400 người, trong đó có rất nhiều các GS, PGS.TS, ThS với trình độ chuyên môn hàng đầu, đẳng cấp ngang tầm quốc tế và có phẩm chất đạo đức tốt.

Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai từ chỗ chủ yếu là các thực hành lâm sàng với các thăm dò thô sơ thì nay đã thở thành trung tâm hàng đầu trong cả nước và trong lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành tim mạch. Là tuyến cuối của ngành, hàng năm, Viện Tim mạch Việt Nam đã điều trị nội trú cho trên 20.000 lượt người bệnh tim mạch phức tạp, thăm khám cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh, phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp. Đặc biệt, mỗi năm Viện Tim mạch Việt Nam có tới hơn 12.000 bệnh nhân được can thiệp tim mạch, và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này.

Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thường quy hàng chục kỹ thuật điều trị tiên tiến: nong van hai lá, nong và đặt Stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và điều trị bằng RF các rối loạn nhịp tim, bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, bít ống động mạch bằng các dụng cụ qua da, đặt Stent Graft, thay van động mạch chủ qua da (TAVI), sửa van hai lá qua da với MitraClip, mổ cầu nối chủ - vành, mổ phình, tách động mạch chủ... Việc thực hiện các kỹ thuật này đã cứu sống hàng chục ngàn ca bệnh hiểm nghèo cho mọi tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nhấn mạnh, bên cạnh công tác chuyên môn, xây dựng và phát triển chuyên ngành tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai luôn đi đầu và là chỗ dựa vững chắc được Bộ Y tế tin cậy giao phó trách nhiệm trong các chương trình phòng chống bệnh tim mạch ở cộng đồng, từ chương trình phòng thấp tim, chương trình mục tiêu quốc gia phòng và chống tăng huyết áp, chương trình quốc gia phòng và chống các bệnh tim mạch. Thành công của chương trình phát hiện và dự phòng thấp tim tại cộng đồng đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và gánh nặng thấp tim trong cộng đồng…

Kết quả từ những chương trình điều tra dịch tễ tăng huyết áp, các yếu tố nguy cơ tim mạch, suy tim... trong cộng đồng do Viện Tim mạch đi đầu đã cung cấp những số liệu nền tảng quan trọng giúp Bộ Y tế và Chính Phủ có những kế hoạch và định hướng trong việc phòng chống các bệnh tim mạch ở người Việt Nam. Mô hình quản lý tăng huyết áp được Viện Tim mạch xây dựng, hoàn thiện, và nhân rộng trong chương trình phòng chống tăng huyết áp đã trở thành hạt nhân cho việc sàng lọc, phát hiện và quản lý bệnh tim mạch cũng như các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Nhận thức và hiểu biết của người dân về tăng huyết áp, các yếu tố nguy cơ tim mạch trong cộng đồng và các bệnh tim mạch chính đã được cải thiện đáng kể nhờ những chương trình giáo dục truyền thông sức khoẻ của Viện Tim mạch trong cộng đồng.

Những thành tựu to lớn ấy đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng và vai trò dẫn đầu của Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đối với chuyên ngành tim mạch nói riêng và các bệnh lý không lây nhiễm nói chung trong cả nước.

Chúc mừng những thành tựu to lớn đã được các thế hệ đi trước vun trồng, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn Viện Tim mạch sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng và vững mạnh, tiếp tục thể hiện được vai trò dẫn dắt của một Viện Tim mạch Quốc gia trong khu vực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Y tế giao.

Tại buổi lễ, thay mặt Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác y tế góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc

4 cá nhân thuộc Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến năm 2018 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

3 cá nhân thuộc Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Đức Trân