Lý Phật Tử, một bài học lịch sử

Phùng Văn Khai 10/11/2019 15:31

Trong vương triều Tiền Lý (544-602), với bốn đời vua: Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Đào Lang Vương - Lý Thiên Bảo và Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử thì dường như đời vua cuối cùng khiến người đời sau bàn tán nhiều nhất. Vậy sự thực Lý Phật Tử là người như thế nào? Công tội ra sao?

Lý Phật Tử, một bài học lịch sử

Đình Mai Dịch, nơi thờ Lý Phật Tử.

Khoảng thời gian ông trị vì không phải ngắn (571-602), tới 31 năm, nước ta với quốc hiệu Vạn Xuân là một nhà nước độc lập gồm các châu quận Giao Chỉ, Tống Bình, Vũ Bình, Tân Xương, Ninh Hà, Hoàng Châu, Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu. Phía Bắc giáp Đại Lương, phía Tây giáp Di Lạo, phía Nam giáp Lâm Ấp - có thể nói quốc thổ rộng lớn, dân cư đông đúc, bách nghệ phát triển. Các vị vua tiền nhiệm Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Đào Lang Vương đều có võ công, ân đức, hệ thống chính quyền từ châu quận xuống tới huyện xã khá quy củ, nhiều lần đại thắng giặc Lương, Lâm Ấp cho thấy quốc lực của Vạn Xuân là rất lớn.

Tiếp nối mạch nguồn nhà nước như vậy, lại là người mưu lược quyền biến, Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử, quốc chủ Vạn Xuân trong 31 năm chủ trì đất nước cũng là khoảng thời gian dân chúng được an hưởng thái bình. Điều này các sử gia đời sau không hiểu sao rất ít nhắc đến, thường chỉ trích những việc làm trái đạo của ông, cụ thể là việc soán đoạt vương vị của Triệu Việt Vương.

Nhận định về Lý Phật Tử, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết trong Đại Việt Sử ký toàn thư như sau: “Lấy bá thuật mà xét thì Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Tại sao thế? Là vì khi Lý Nam Đế ở động Khuất Lão đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sằn, người phương Bắc phải lui quân. Bấy giờ Hậu Nam Đế trốn trong đất Di Lạo, chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi, may mà Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo chết, vua mới đem quân đánh Triệu Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia. Triệu Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu đài hay sao? Thế mà Hậu Nam Đế lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được nước, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi vào tù, có lợi gì đâu?”.

Đây dường như là một nhận xét quá nghiêm khắc với Lý Phật Tử.

Trước hết, bằng khoa học lịch sử, chúng ta dễ dàng chỉ ra những công lao không nhỏ của Lý Phật Tử từ trước khi trở thành quốc chủ Vạn Xuân. Ngay từ những buổi đầu ông theo Lý Thiên Bảo anh trai của Lý Nam Đế, nam chinh bắc chiến, đã lập nhiều công lao. Cả một vùng biên giới phía Tây giáp Di Lạo, phía Nam giáp Lâm Ấp được bình ổn trong suốt nửa thế kỷ của Vương triều Tiền Lý đều nhờ vào tài trí của Lý Thiên Bảo và sau đó là Lý Phật Tử. Điều này rất quan trọng để Lý Thiên Bảo thành lập nước Dã Năng với vương vị Đào Lang Vương. Lý Phật Tử từng nhiều lần cầm quân đánh tan các tù trưởng phía Nam, mở mang bờ cõi về phía Tây khiến Di Lạo không chỉ mất đất đai mà còn một lòng thần phục. Chính khoảng thời gian quý giá này đã để Triệu Quang Phục đánh đuổi đại quân của Trần Bá Tiên, chém chết tướng giặc Dương Sàn, lần lượt làm chủ các thành Chu Diên, Long Biên, Luy Lâu, Gia Ninh, tiếp đó xưng vương nối lại nền quốc thống Vạn Xuân, hoàn thành xuất sắc di nguyện của Lý Nam Đế.

Các sử gia dường như đã có sự lúng túng và khe khắt khi nhận xét cuộc nội chiến giữa Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương. Cả hai họ Lý -Triệu đều xuất phát từ triều đình Lý Nam Đế, đều là những trụ cột của Vạn Xuân, từng chiến đấu chống quân Lương lập chiến công vang dội. Cuộc nội chiến này cả hai bên đều không mong muốn song vẫn nổ ra trước tiên bởi hình thái xã hội phong kiến luôn cho rằng không thể có hai vua trong một nước. Quốc thổ Vạn Xuân phải là một thể thống nhất và quốc chủ phải là người họ Lý. Ngay từ buổi khai triều lập quốc, dẫu công tích của họ Triệu vô cùng lớn lao thì lão tướng Triệu Túc cũng chỉ giữ chức Thái phó đứng đầu triều, còn Triệu Quang Phục và Phùng Thanh Hòa được phong chức Tả, Hữu tướng quân.

Bởi vậy, trong tâm can của Lý Phật Tử, khi 5 lần xuất binh từ Ái Châu đánh Triệu Quang Phục ở Long Biên chính là mong muốn lấy lại ngôi nước về cho họ Lý. Bằng cơ mưu của mình, sau này truyền thuyết dân gian đã phủ bóng bằng huyền tích Nhã Lang - Cảo Nương đa phần sao chép từ truyền thuyết Mỵ Châu -Trọng Thủy thì chúng ta, thế hệ sau, bằng con mắt khoa học lịch sử phải thấy ở độ sâu hơn, căn cốt hơn, chính là chiến lược đoạt lại vương vị của Lý Phật Tử. Điều này cũng là phù hợp với xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Vấn đề tại sao các sử gia sau này đều rất nghiêm khắc với Lý Phật Tử? Việc giữ ổn định đất nước Vạn Xuân 30 năm phải là một công rất lớn thường ít khi được nhắc đến là tại sao?

Trước hết, chúng ta đều thấy rằng, các sử gia phong kiến triều đại sau chép theo triều đại trước, lấy tinh thần trung quân ái quốc, lấy võ công đánh giặc ngoại xâm làm nền tảng xác lập công lao. Từ đó, có không ít chỗ áp đặt, phiến diện, dùng ý chí cá nhân thay cho thực tế lịch sử, khiến các nhân vật, sự kiện lịch sử dần dà càng như sương khói, không được định vị đúng bản chất vốn có. Sau này, không ít vị vì có võ công được tô vẽ quá lên, cắt bỏ nhiều ẩn tình khuất khúc như Lê Đại Hành, Quang Trung. Điều này, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học chuyên ngành phải mau chóng tường minh trả lại đúng những gì của lịch sử.

Tiếp đó, sau khi đã diệt nhà Trần ở Trung Nguyên, với chính sách bành trướng của vua chúa phương Bắc, hoàng đế nhà Tùy cho người mang lệnh dụ Lý Phật Tử phải sang chầu. Hiểu được đây là kế gian của Tùy Văn Đế, nhưng ở thế tiến thoái lưỡng nan, Lý Phật Tử chỉ còn cách thoái thác nhiều lần cáo ốm xin lùi thời gian lên đường. Thậm chí Lý Phật Tử còn cho người đem vàng bạc tới tổng quản Quế Châu là Lệnh Hồ Hy, người được Tùy Văn Đế giao cho việc thúc giục họ Lý sang chầu. Lệnh Hồ Hy sau nhiều lần trì hoãn giúp đã bị quan lại trong triều kiện tội ăn hối lộ và bị Tùy Văn Đế bãi chức, đồng thời lệnh cho đại tướng Lưu Phương thống lĩnh mười vạn quân sang đánh Vạn Xuân. Trước sức mạnh của quân Tùy, Lý Phật Tử đã sợ hãi đầu hàng và bị bắt đưa về Trung Nguyên.

Từ xuất phát trên, các ngòi bút sử gia đã chỉ trích nặng nề Hậu Lý Nam Đế là kẻ gian hùng cướp vương vị của Triệu Việt Vương, sau lại đánh mất nước khiến hậu nhân thiên về kể tội.

Với đặc thù nước Vạn Xuân khi đó, chỉ những bậc anh hùng xuất chúng mới có thể vững vàng làm chủ ngôi nước. Lý Nam Đế là như vậy. Triệu Việt Vương là như vậy. Tại sao Lý Nam Đế không truyền ngôi cho người họ Lý mà lại giao binh quyền cho Triệu Quang Phục? Điều này đã được lịch sử trả lời bằng sự anh dũng quyết thắng, mưu lược hơn người của họ Triệu. Sau này, Lý Phật Tử nhận ủy thác binh quyền từ Đào Lang Vương cũng thế. Tài trí và hùng tâm chắc chắn hơn hẳn Triệu Quang Phục mới từng bước soán ngôi đổi chủ dễ dàng như vậy.

Cái được lớn nhất của Lý Phật Tử chính là đã tạo được khoảng thời gian thái bình 30 năm cho dân chúng Vạn Xuân. Điều này ở thời phong kiến - nhất là khi phải tiếp giáp với ông bạn láng giềng khổng lồ phương Bắc - là vô cùng khó khăn. Gần một phần ba thế kỷ với quốc hiệu Vạn Xuân độc lập, Lý Phật Tử rất đáng được ghi nhận. Điều này dường như hậu thế chưa tường minh cặn kẽ ghi công cho ông cũng đang là một ẩn số của lịch sử.

Cái đáng phê phán nhất đối với Lý Phật Tử chính là ông cùng triều đình đã đầu hàng nhà Tùy, không chiến đấu đến cùng. Tại sao không lần nữa lui binh về Đầm Dạ Trạch, về rừng Dã Năng kháng chiến để giữ nền độc lập? Đây chính là căn nguyên để sau này các sử gia có cớ chỉ trích quá khiêm khắc đối với ông.

Đã gần 1.500 năm, cuộc đời bãi bể nương dâu, dẫu là vua chúa tướng soái công tội hai vai cũng đều đi vào lịch sử, vào truyền thuyết, thần tích, huyền tích dân gian. Lịch sử Đại Việt 4.000 năm biết bao thăng trầm, bi tráng, nhưng vượt lên trên mọi đớn đau, khuất khúc, mạch nguồn lịch sử từ muôn thuở tổ tiên nòi giống Tiên - Rồng vẫn thầm thì, miên man, kiêu hãnh chảy tới hôm nay. Là người Lạc Việt, chúng ta bao giờ cũng biết gạn đục khơi trong, tìm những gì tốt đẹp nhất từ cha ông làm hành trang vững vàng bước tiếp. Chính những nhân vật lịch sử, bài học lịch sử, thậm chí cả sự chưa công bằng khi nhìn nhận về lịch sử đều góp phần để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Lý Phật Tử, vị vua cuối cùng của vương triều Tiền Lý với bài học lịch sử đắt giá rất cần được chiêm nghiệm, đánh giá khách quan trên tinh thần nhân văn và bác ái.

Phùng Văn Khai