­­­­­Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn biển, đảo của Tổ quốc

H.Vũ 09/11/2019 07:30

Chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các ĐBQH. Tại phiên chất vấn, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai hoạt động thực thi pháp luật bằng giải pháp phù hợp. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

­­­­­Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn biển, đảo của Tổ quốc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội chiều 8/11.

Tháo gỡ những khó khăn ­vướng mắc

Thủ tướng nhìn nhận: Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.

“Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị luôn nỗ lực để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, có việc làm, để không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, tại kỳ họp đang diễn ra, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế trên Biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Đây cũng là mối quan tâm, lo lắng chung của đồng bào ta.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai hoạt động thực thi pháp luật bằng giải pháp phù hợp, "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Nhắc đến việc cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt; không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp, Thủ tướng nêu vấn đề: Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

“Mấy ngày qua, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị quyết, chính sách của quốc gia thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương.

Tại phiên trả lời chất vấn về việc 39 người thiệt mạng tại Anh, ­­Thủ tướng khẳng định: Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!

Đảm bảo cho kinh tế tư nhân phát triển

Trả lời ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước đã xác định, kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt, lần này đã có hẳn Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Chúng ta vui mừng về việc Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân; các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân; các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của của cả nước. Nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, nhất là đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển.

Nhắc lại việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ thì nên thưởng Huân chương cho họ. Thủ tướng tiếp tục khẳng định lại thông điệp: Chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, luôn tạo sự bình đẳng trong các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đó các cấp, các ngành cần thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Tận dụng năm ASEAN để đưa đất nước phát triển

Theo ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) năm 2020, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, vậy Thủ tướng cho biết những quyết sách để tận dụng cơ hội này đối với đất nước thời gian tới? Thủ tướng sẽ tập trung chính sách thế nào với doanh nghiệp nhỏ và vừa để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt một trong ba trọng tâm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ông Thân cũng cho rằng, phát triển nền kinh tế đêm đang có nhiều ý kiến khác nhau và mong nhận được quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này.

­­­­­Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn biển, đảo của Tổ quốc - 1

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu tại hội trường.

Trả lời, Thủ tướng cho rằng, chúng ta sẽ tận dụng năm ASEAN một cách tốt nhất, cùng với tinh thần nước ta là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. “Ít có nước nào trùng lặp hai sự kiện quan trọng này trong hoạt động đối ngoại của đất nước, do đó cần tận dụng thời cơ này để đóng góp, đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn. Mục tiêu quan trọng là tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối, lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam, đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các FTA. Đặc biệt là các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hoà bình thống nhất trong ASEAN để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông”-Thủ tướng cho hay.

Liên quan đến kinh tế đêm, Thủ tướng cho rằng, kinh tế ban đêm là vấn đề lớn, thể hiện sự năng động kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Khách du lịch đến Việt Nam phần lớn trái múi giờ, mình thì đi ngủ còn họ đi chơi, muốn tìm hiểu về văn hoá ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh của Việt Nam. Do đó vấn đề đặt ra là làm gì để du khách đến đông hơn, để khách tiêu tiền nhiều hơn và kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó nên các cấp, các ngành có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm cần phải chú trọng tốt hơn nữa công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra.

Cần thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội

Phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, 4 Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đã có gần 250 lượt ĐBQH chất vấn và tranh luận, qua chất vấn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhiều ĐBQH đã tranh luận làm rõ những vấn đề quan tâm. Qua đó các ĐBQH cơ bản hài lòng với phần trả lời của các thành viên Chính phủ. Không khí trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày càng cởi mở, dân chủ, có trách nhiệm. Các Bộ trưởng đã trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh, trả lời nhiều vấn đề mà ĐBQH nêu ra, qua đó cũng nhận trách nhiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, và cần thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội. Quốc hội yêu cầu, Chính phủ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước nhằm tạo sự chuyển biến trong những lĩnh vực mà mình quản lý.

H.Vũ