Quyền lợi của người dân
Hơn 300 hộ dân thuộc Khu đô thị Hạ Đình (Hà Nội) vừa gửi đơn kiến nghị yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và sức khoẻ do ảnh hưởng thuỷ ngân, từ vụ cháy phân xưởng Công ty gây ra. Từ đây cho thấy việc bồi thường thiệt hại - quy định của pháp luật rất cần phải được tôn trọng, xem xét, giải quyết thoả đáng, để đảm bảo quyền lợi ích của các bên liên quan, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Cơ quan chuyên môn lấy mẫu ở hiện trường vụ cháy chiều 30/8 tại Công ty Rạng Đông. Ảnh: Liên Châu.
Vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 28/8/2019 tại cơ sở ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm xôn xao dư luận. Thiệt hại từ việc cháy khu nhà xưởng và kho thành phẩm của bộ phận làm đèn dây tóc, huỳnh quang và CFL của Công ty này khoảng 150 tỷ đồng đã là khá lớn. Nhưng hệ luỵ từ vụ cháy, gây rò rỉ khoảng 15,1- 27,2kg thuỷ ngân, phát tán ra môi trường, gây độc hại với sức khoẻ người dân xung quanh và những người liên quan mới là vấn đề thiệt hại lớn cần bàn.
Khó có thể xác định được tổng mức thiệt hại về sức khoẻ của người dân trong khu vực lân cận và những người liên quan tới vụ cháy nói trên. Bởi vụ cháy đã ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều đơn vị, nhiều thiệt hại rất khó đo đếm, nhất là ảnh hưởng về sức khoẻ. Tuy nhiên, với những người dân trong khu vực thì những thiệt hại đã cụ thể: Máu nhiễm thuỷ ngân, tiền đi khám chữa bệnh, mất thu nhập, tổn thất tinh thần...
Và theo đơn kiến nghị, các hộ dân đã yêu cầu Công ty Rạng Đông phải bồi thường cho họ tiền khám chữa bệnh mỗi người 4 triệu đồng, tiền mất thu nhập 6 - 8 triệu đồng; tiền nhà mỗi hộ 60 triệu đồng… nhất là đòi bồi thường mức độ nhiễm thuỷ ngân là 1 tỉ đồng/0,1microgram thuỷ ngân/lít máu, đồng thời yêu cầu Công ty dừng hoạt động, di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư…
Việc xem xét giải quyết kiến nghị của các hộ dân rồi sẽ được các cơ quan chức năng giải quyết, và cũng có thể cần phán quyết của Toà án. Việc xác định mức độ thiệt hại, mức bồi thường cũng không đơn giản.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Người gây thiệt hại chỉ không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng, hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Với riêng vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, như Điều 602 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”. Điều 585 cũng quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần…”; Luật cũng có xem xét đến đối tượng phải bồi thường “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”…
Cũng tương tự như hậu quả của vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, vụ cung cấp nước bẩn nhiễm dầu thải cho hàng trăm ngàn hộ dân Thủ đô của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cũng cần phải xem xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thông tư 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định về quy chuẩn chất lượng nước sạch sinh hoạt. Theo đó, các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt rất rõ ràng. Giữa các hộ dân và đơn vị cấp nước đều đã có các hợp đồng thoả thuận, yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc quy định. Người dân chậm đóng tiền, Công ty phạt hoặc cắt nước. Công ty cung cấp nước không đảm bảo sức khoẻ, không đúng như cam kết, Công ty phải chịu trách nhiệm. Một thời gian không ngắn, nhiều người dân Thủ đô đã khốn khổ vì thiếu nước, đảo lộn sinh hoạt, và những thiệt hại không thể đo đếm, nhất là thiệt hại về sức khoẻ khi dùng nước nhiễm dầu thải. Việc Công ty cấp nước, nhất là cố tình cấp nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân phải truy xét trách nhiệm, phải bồi thường.
Yêu cầu của xã hội hiện đại, mọi hoạt động của cá nhân, đơn vị phải tuân thủ pháp luật. Bất cứ đối tượng nào khi vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Khi vi phạm không được xử lý nghiêm, pháp luật bị khinh nhờn thì các vi phạm sẽ tiếp tục diễn ra, trật tự bị đảo lộn. Hiện không ít doanh nghiệp, cá nhân vẫn vô tư, cố tình gây ô nhiễm môi trường. Không ít các cơ sở sản xuất độc hại, tàng trữ chất độc hại vẫn tồn tại giữa các cộng đồng dân cư. Chỉ khi hậu quả xảy ra, hệ luỵ xảy ra thì người ta mới lại xem xét đến việc xử lý, tìm cách giải quyết hậu quả thì đã muộn.
Cũng một thực tế lâu nay nhiều vi phạm pháp luật bị bỏ qua, nhiều thiệt hại của người dân không được bồi thường, hoặc bồi thường không thoả đáng. Nếu như những vụ việc như vụ cháy ở Công ty Rạng Đông hay vụ cấp nước bẩn cho dân của Viwasupco việc xem xét xử lý, nhất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại nghiêm minh, đến nơi, đến chốn thì chắc chắn sẽ không có những trường hợp xảy ra tương tự nữa.