Trách nhiệm trước lời hứa
Chiều 8/11, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các ĐBQH, Quốc hội đã khép lại 3 ngày chất vấn trọn vẹn. 4 thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đăng đàn trả lời chất vấn. Và, phiên chất vấn, giống như nhiều kỳ họp Quốc hội bao giờ cũng là phiên họp tâm điểm của một kỳ họp.
Hàng chục triệu cử tri cả nước đã theo dõi phiên chất vấn trực tiếp để biết các thành viên Chính phủ đã làm gì hay chưa làm được gì trong số những lời hứa với Nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Những câu trả lời ấy sẽ có tác động ngay lập tức, sẽ nhận được sự đồng thuận hay phê phán từ cử tri và từ chính các đại biểu của dân. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khoảnh khắc từ đồng tình hay không đồng tình với các câu trả lời của thành viên Chính phủ có khi chỉ là một cái click chuột và lập tức trên mạng xã hội có thể sẽ có ngay một làn sóng ủng hộ hay phê phán quan điểm, cách điều hành của một thành viên Chính phủ nào đó.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục áp dụng cách thức tiến hành chất vấn như các kỳ họp trước. Điều đó có nghĩa, mỗi ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn; trong quá trình chất vấn, đại biểu có thể tranh luận khi thấy chưa thỏa đáng, thời gian tranh luận không quá dài. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành có trách nhiệm trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện.
Ngay trước phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã bày tỏ mong muốn, các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn sẽ đi thẳng vào vấn đề, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Bởi, thực ra cử tri không quan tâm nhiều tới việc thành viên Chính phủ có trả lời suôn sẻ hay không nhưng lại quan tâm việc câu trả lời ấy có nhiều thông tin mà họ muốn biết, cần biết hay không? Quan trọng hơn cả là thẳng thắn nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Và khi đã nhìn đúng- nhìn trúng thì Bộ trưởng cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, sửa sai, thể hiện quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.
“Có như vậy thì tâm thế nhận trách nhiệm và lời xin lỗi của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ mới có giá trị trọn vẹn”- đó là quan điểm mà ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ với báo giới. Cũng vẫn ĐB này nhận xét, qua theo dõi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của QH nhiều nhiệm kỳ qua, có thể nhận thấy xu hướng gần đây, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có tinh thần cầu thị hơn khi sẵn sàng nhận trách nhiệm và xin lỗi trước cử tri, nhân dân cả nước khi để xảy ra những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực do mình đảm trách nhưng, ĐB mong muốn “khi nói ra lời xin lỗi trước cử tri và nhân dân cả nước tại nghị trường, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tự đặt mình vào vị thế của người dân. Điều quan trọng nhất là, sau khi nhận trách nhiệm và xin lỗi sẽ là gì.”
Còn ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu) khi chia sẻ quan điểm của mình với báo chí thì khẳng định, tôi cũng sẽ không thể hài lòng với sự trả lời đơn giản, hoặc nhận trách nhiệm một cách dễ dàng, kiểu “cho qua”. “Chúng ta có thể thông cảm nếu Bộ trưởng, trưởng ngành không nhớ chính xác những chi tiết, con số mang tính kỹ thuật. Song, với những vấn đề quan trọng của ngành, lĩnh vực, nếu Bộ trưởng, trưởng ngành không nắm chắc, thì việc các ĐBQH truy đến cùng trách nhiệm là đương nhiên”- ĐB nói.
Thực tế, 3 ngày chất vấn đã trôi qua với nhiều câu hỏi chất vấn khá hóc búa với nhiều vị tư lệnh ngành. Tuy nhiên, ở vị trí quản lý nhà nước các tư lệnh ấy đã tỏ ra nắm chắc vấn đề, trả lời khá thẳng thắn nhiều câu hỏi của ĐBQH. Cũng có thể coi, thành công của những phiên chất vấn ấy một phần nằm ở cách lựa chọn lĩnh vực nóng của Quốc hội và ĐBQH. Có nhiều Bộ trưởng không phải lần đầu tiên đăng đàn, trả lời chất vấn. Điều đó chứng tỏ, đã không có sự e ngại, né tránh nào từ phía Quốc hội.
Khép lại 3 ngày chất vấn, có thể khẳng định đó là 3 ngày họp mà cả các ĐBQH và các thành viên Chính phủ đều sẵn sàng ở mức cao nhất. Các ĐBQH đã đặt câu hỏi rất ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, các Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu minh chứng rất cụ thể, nêu rõ những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua và có giải thích, lý giải những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại, bất cập, đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận và trách nhiệm của ngành cũng như của cá nhân mình trong chỉ đạo, điều hành. Khép lại các phiên chất vấn, các Bộ trưởng sẽ trở lại với công việc điều hành đầy bận rộn, lắm khi “như con mọn” nhưng, cử tri chắc chắn mong muốn các Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mà mình phụ trách với đích đến là sự phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực mà Bộ trưởng phụ trách, nhằm góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.