Rạn nứt trong khối NATO

Khánh Duy 09/11/2019 08:00

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phê phán hành động của Mỹ bỏ rơi các đồng minh của mình. Đồng thời, ông cũng kêu gọi châu Âu giành lại “chủ quyền quân sự” và chủ trương khôi phục đối thoại với Nga.

Rạn nứt trong khối NATO

Cờ và biểu tượng của NATO bên ngoài trụ sở của tổ chức này tại Brussels, Bỉ.

NATO “chết não”

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist của Anh, Tổng thống Macron đã đưa ra bình luận bất ngờ: Do thiếu sự phối hợp giữa châu Âu với Mỹ và hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ở trong tình trạng “chết não”. Ông đồng thời cảnh báo các nước châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ các đồng minh được nữa.

Khi được hỏi liệu ông có tin vào hiệu lực của Điều 5, hay Điều ước phòng thủ chung, của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hay không, ông Macron trả lời: “Tôi không biết”. Được biết, Điều 5 quy định bất cứ sự tấn công nào chống lại một quốc gia thành viên NATO đều bị coi là tấn công vào tất cả các quốc gia thành viên khác.

Ông Emmanuel Macron còn cho rằng châu Âu đang đứng trên “bờ vực thẳm”, trừ khi nó bắt đầu hành xử như một cường quốc địa chính trị, nếu không “sẽ không còn kiểm soát được vận mệnh của chính mình nữa”. Vì vậy, châu Âu nên giành lại “chủ quyền quân sự” và tiếp tục duy trì đối thoại với Moscow.

Ông Emmanuel Macron nói: NATO hiện đang phải trải qua trạng thái “chết não”, Washington đang “vứt bỏ các đồng minh” và việc quân đội Mỹ rút khỏi vùng Đông Bắc Syria, bỏ rơi các đồng minh người Kurd đã chứng minh điều này.

Những bình luận của ông Macron đã vấp phải sự chỉ trích từ Đức và Mỹ, thành viên lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh về tầm quan trọng của NATO trong một chuyến thăm đến miền Đông nước Đức nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ.

“Tôi nghĩ NATO vẫn có vai trò quan trọng, chủ chốt, về mặt lịch sử mà nói thì có lẽ là một trong những quan hệ đối tác chiến lược chủ chốt nhất được ghi nhận trong lịch sử” - ông Pompeo nói với các phóng viên ở Leipzig.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phản bác ý kiến của ông Macron, nói ông “đã dùng những lời lẽ mạnh bạo, không phải là quan điểm của tôi về hợp tác trong NATO”. Phát biểu sau các cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Berlin, bà Merkel nói: “Tôi không nghĩ những đánh giá chung chung như vậy là cần thiết, ngay cả khi chúng tôi có vấn đề và cần làm việc cùng nhau”.

Phản ứng từ Nga

Trong phản ứng của mình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 8/11 nói rằng, tư tưởng chống Nga, thứ đã trở thành một biện pháp giữ thể diện của Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, là triệu chứng đặc biệt cho căn bệnh mà Tổng thống Pháp Macron đã mô tả là cú “chết não” của NATO.

Trả lời phỏng vấn trên kênh GTRK Samara, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, nói rằng “NATO đã chết não. Thực tế này chả có gì bất ngờ, nhưng điều đáng bất ngờ là một lãnh đạo trong khối NATO công khai nói về điều đó”- đề cập tới bình luận mà Tổng thống Pháp Macron đưa ra mới đây.

Bà Zakharova thêm rằng Moscow đã nói về điều tương tự từ rất lâu, chỉ là theo cách nói mang tính ngoại giao hơn.

“Ngoài việc chỉ ra một cuộc khủng hoảng bên trong khối đồng minh quân sự này, chúng tôi cũng từng nói rằng chứng sợ Nga (Russophobia), vốn đã trở thành biện pháp giữ thể diện của những người theo tư tưởng hệ NATO, là dấu hiệu rõ ràng của một cuộc khủng hoảng. Tôi nghĩ rằng họ cố gắng tìm cách để các thành viên NATO đoàn kết trở lại để có thể cảm thấy nền tảng vững chắc dưới chân và tiếp tục tiến bước”- nhà ngoại giao Nga chỉ ra.

Liên quan tới vấn đề này, bà Zakharova cũng nhấn mạnh rằng NATO và cả Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng đặc trưng, một cuộc khủng hoảng sống còn, một cuộc khủng hoảng liên quan tới tầm nhìn và chiến lược trong tương lai”.

Khánh Duy