Chuẩn hóa bữa ăn học đường
Hầu hết các học sinh cấp tiểu học và cả THCS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khi học bán trú đều sử dụng các suất ăn cơm tại trường (bữa trưa). Các suất ăn này có mức tiền đóng góp tuỳ theo quy định của từng trường, từng lớp khác nhau. Và nguồn cung cấp bữa ăn học đường cho các em cũng đến từ nhiều đơn vị, trong đó chủ yếu là nhà trường tự nấu, do doanh nghiệp nấu và cung cấp cho nhà trường.
Thống kê, trên địa bàn TPHCM có 2.314 dịch vụ cung cấp suất ăn học đường. Trong đó có 1.280 là bếp của các trường tổ chức nấu, có 112 bếp do nhà trường bỏ tiền thuê người nấu, 630 căn tin nhà trường nấu và cung cấp tự nguyện cho học sinh, và số còn lại 292 cơ sở do doanh nghiệp ngoài trường cung cấp. Có thể nói, việc cung cấp các suất ăn cho học sinh hàng ngày là rất quan trọng và cần thiết. Các suất ăn là nguồn năng lượng trực tiếp giúp các em học tập và vui chơi tại trường. Tuy nhiên, ngành giáo dục thành phố chưa có một chuẩn hay một đơn vị nào đủ chuẩn để cung cấp các suất ăn, như với chương trình sữa học đường. Ngược lại, các trường thường tự sắp xếp việc cung cấp suất ăn cho học sinh. Đặc biệt, dù quan trọng nhưng suất ăn học đường lại chưa được sử dụng nguồn sách ưu đãi như với chương trình sữa học đường đang được thực hiện.
Kể từ năm 2014 tới năm 2018, trên địa bàn TPHCM có tới 340 học sinh bị ngộ độc khi sử dụng suất ăn học đường. Ngay trong năm 2019 này, dù chưa thống kê đầy đủ nhưng cũng có tới hơn 20 học sinh bị ngộ độc sau khi sử dụng suất ăn tại trường. Vì thế, việc “chuẩn hóa bữa ăn học đường” không chỉ giúp các em học sinh tránh bị ngộ độc mà cần có chế độ dinh dưỡng ở mức tốt nhất. Nhiều phụ huynh vẫn rất mong TPHCM ưu tiên nguồn ngân sách để cung cấp hoặc hỗ trợ các đơn vị cung cấp thức ăn học đường dành cho các em học sinh. Việc có sự hỗ trợ chính thức khiến cho suất ăn được tốt hơn mà có thể còn còn thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư, cung cấp các suất ăn đạt tiêu chuẩn cho học sinh, thay vì có nhiều nguồn dịch vụ cung cấp không thống nhất như hiện nay.