Thủ tục chuyển xếp lương cán bộ xã sang công chức xã
Ông Mai Thanh Bình (Hải Phòng) đề nghị hướng dẫn việc xếp lại lương đối với trường hợp ông Đào Văn đã có thời gian làm lãnh đạo cấp xã nay chuyển sang vị trí công chức xã.
Ông Văn giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã từ năm 1989; Phó Chủ tịch – Trưởng Công an xã từ năm 1991 đến năm 2004; Chủ tịch từ năm 2004 đến năm 2010. Ông có bằng Trung cấp chính trị năm 1995, Trung cấp kinh tế năm 2010.
Trong năm 2010, ông Văn không trúng cử chức danh Thường vụ Đảng ủy xã (Đảng ủy viên), nên được bố trí làm công chức tư pháp và được xếp lương bậc 5 hệ số 2,66 ngạch cán sự. Cho đến ngày 1/10/2018 được xếp lương bậc 9 hệ số 3,46 ngạch cán sự.
Năm 2019, UBND huyện kiểm tra và quyết định xếp lại bậc lương, hệ số lương như sau: Từ ngày 1/10/2010 là bậc 1, hệ số 1,86 ngạch cán sự; từ ngày 1/10/2012 bậc 2, hệ số 2,06 ngạch cán sự; đến ngày 1/10/2018 bậc 5, hệ số 2,66 ngạch cán sự và yêu cầu truy thu tiền lương đã nhận.
Ông Bình hỏi, UBND huyện xếp lại lương cho ông Văn như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:
Theo phản ánh của ông Bình, trường hợp ông Văn là cán bộ cấp xã, có quá trình công tác như sau: Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã từ năm 1989 đến năm 1991; Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Công an xã từ năm 1991 đến năm 2004; Chủ tịch UBND xã từ năm 2004 đến năm 2010. Ông có bằng Trung cấp Chính trị từ năm 1995, có bằng Trung cấp Kinh tế năm 2010.
Vào thời điểm năm 2010, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại Bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH như sau:
Trường hợp đã có bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trước ngày 1/1/2010 và đã được xếp lương chức vụ quy định tại Bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, thì được căn cứ vào từng thời điểm trong thời gian công tác có đóng BHXH (nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa được tính hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn) đã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xếp vào bậc lương theo ngạch công chức hành chính quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều này theo nguyên tắc sau:
Cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên (cao đẳng) và cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch cán sự được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch được xếp. Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 6 tháng; nếu bị kỷ luật cách chức thì cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 12 tháng; nếu có năm vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian bị trừ của năm đó cũng chỉ tính theo thời gian bị trừ của hình thức bị kỷ luật.
Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương theo ngạch công chức được xếp nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên (cao đẳng) hoặc chưa đủ 24 tháng đối với ngạch cán sự, thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau theo ngạch được xếp. Trường hợp được tính xếp vào bậc lương cuối cùng trong ngạch mà vẫn còn thừa thời gian công tác thì thời gian công tác còn thừa này được tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên (cao đẳng) và sau 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch cán sự được tính hưởng 5%, cứ mỗi năm tiếp theo được tính hưởng thêm 1%.
Chuyển xếp lương sang ngạch, bậc công chức hành chính
Căn cứ vào nguyên tắc nêu trên, thực hiện việc chuyển xếp từ lương chức vụ đã hưởng theo Bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP sang lương theo ngạch, bậc công chức hành chính như sau:
Trường hợp trong suốt thời gian công tác không có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì kể từ ngày tham gia công tác được tính xếp vào hệ số lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều này. Thời gian công tác sau đó được tính xếp lên bậc lương cao hơn trong ngạch theo nguyên tắc quy định tại Điểm b này.
Trường hợp trong thời gian công tác có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì thực hiện như sau: Nếu chưa có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kể từ ngày tham gia công tác, sau đó mới tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (lần đầu) thì kể từ ngày được cấp văn bằng tốt nghiệp được tính xếp vào hệ số lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này; thời gian công tác sau đó được tính xếp lên bậc lương cao hơn trong ngạch theo nguyên tắc quy định tại Điểm b này. Nếu có thay đổi trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ 2 lần trở lên thì được xếp lương tương ứng với từng khoảng thời gian có thay đổi trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Trường hợp ông Văn đã tham gia công tác giữ các chức danh cán bộ cấp xã từ năm 1989 cho đến năm 2010. Từ năm 2004 đến năm 2010 là Chủ tịch UBND xã, nếu thực hiện đúng quy định, trước ngày 1/1/2010, ông Văn đã được hưởng lương Chủ tịch UBND xã bậc 2, hệ số 2,65 theo Bảng lương số 5 (Bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Năm 1995 tốt nghiệp trình độ trung cấp lý luận chính trị. Nếu thực hiện đúng hướng dẫn tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thì kể từ ngày 1/1/2010 ông Văn được xếp lương theo ngạch công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau:
Năm 1995, ông Văn được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp chính trị được xếp vào bậc 1 ngạch cán sự. Cứ 2 năm xếp lên 1 bậc ngạch cán sự, tính đến ngày 1/1/2010 là 15 năm, nếu trong thời gian đó ông Văn hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật trừ thời gian nâng bậc lương thì, được tính xếp vào bậc 9 hệ số lương 3,46 ngạch cán sự và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,25 của chức danh Chủ tịch UBND xã kể từ ngày 1/1/2010; thời gian xét nâng bậc lương lần sau theo ngạch cán sự được tính kể từ ngày 1/1/2009. (Thực tế theo phản ánh của ông Bình thì vào thời điểm năm 2010, ông Văn được xếp lương bậc 5 hệ số 2,66 ngạch cán sự thấp hơn với cách tính nêu trên).
Trong năm 2010, ông Văn không trúng cử vào Thường vụ Đảng ủy xã (Đảng ủy viên) nên không được tiếp tục chức vụ Chủ tịch UBND xã, tổ chức bố trí ông vào vị trí công chức tư pháp xã.
Tại Khoản 5, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn, trường hợp thôi giữ chức danh cán bộ cấp xã và được bố trí làm công chức cấp xã:
- Nếu đang xếp lương chức vụ theo bảng lương quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì được bảo lưu hệ số lương chức vụ đang hưởng trong 6 tháng, sau đó thực hiện xếp lương theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này;
- Nếu đang xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì tiếp tục hưởng lương theo ngạch, bậc công chức hành chính đã được xếp và hương bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng trong 6 tháng, sau đó thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Như vậy, khi thôi giữ chức danh Chủ tịch UBND xã, được bố trí làm công chức tư pháp (vào năm 2010), nếu ông Văn đang xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì tiếp tục hưởng lương theo ngạch, bậc công chức hành chính đã được xếp và hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng trong 6 tháng, sau đó thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Trường hợp khi thôi giữ chức danh Chủ tịch UBND xã, được bố trí làm công chức tư pháp (vào năm 2010), nếu ông Văn đang xếp lương chức vụ Chủ tịch UBND xã bậc 2, hệ số 2,65 theo bảng lương quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì được bảo lưu hệ số lương chức vụ (2,65) đang hưởng trong 6 tháng, sau đó thực hiện xếp lương theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH.
Để biết hiện nay (năm 2019), UBND huyện quyết định xếp lại bậc lương, hệ số lương đối với ông Văn có căn cứ pháp luật hay không, cần thiết phải kiểm tra lại hồ sơ về thời điểm ông Văn có bằng Trung cấp chính trị, thời điểm thôi giữ chức danh Chủ tịch UBND xã, được bố trí làm công chức tư pháp xã ông Văn đang hưởng lương chức vụ Chủ tịch UBND xã bậc 2, hệ số 2,65, hay đã được xếp lương công chức hành chính?
Cần lưu ý, ngày 31/10/2012, Ban Tổ chức Trung ương có Công văn số 3692-CV/BTCTW về việc xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ cấp xã có trình độ lý luận chính trị, quy định: “... Các văn bằng: Trung cấp chính trị, trung cấp chính trị - hành chính và văn bằng được công nhận tương đương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thống nhất vận dụng các văn bằng trên để xếp ngạch, bậc lương như đối với bằng trung cấp chuyên ngành. Việc thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản này đối với đội ngũ cán bộ cấp xã đang công tác tính đến 31/10/2012…”.
Như vậy văn bằng Trung cấp chính trị mà ông Văn được cấp năm 1995, là cơ sở để ông được xếp ngạch, bậc lương như công chức hành chính vào thời điểm 1/1/2010 theo hướng dẫn tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH. Văn bằng Trung cấp kinh tế ông Văn được cấp năm 2010, được tiếp tục sử dụng sau thời điểm 31/10/2012.
Việc xếp lại bậc lương, hệ số lương, yêu cầu hoàn trả chênh lệch tiền lương đối với ông Văn vào thời điểm năm 2019, sau hơn chục năm công tác, làm việc, hưởng lương, nâng bậc lương, đóng BHXH, người có thẩm quyền cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, thấu lý, đạt tình khi ký ban hành hay không ban hành quyết định này.