Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về ứng phó với bão số 6
Ngày 9/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) do Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác ứng phó với bão số 6.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã báo cáo đến Đoàn công tác về tình hình ứng phó với bão số 6 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Bính cho biết: “Nhận định các vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 6 là huyện đảo Lý Sơn, các huyện phía Nam của tỉnh và các xã ven biển”.
Đến trưa ngày 9/11, tại khu vực quần đảo Trường Sa đang neo trú 96 tàu/2.290 lao động và đang tiếp tục giữ liên lạc. Có 4 tàu/178 lao động đã cập bến Philippines và hiện có 7 tàu/125 lao động đang ở vùng biển Philippines. Các tàu cá ở vùng biển phía Nam đã vào nơi neo đậu, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục giữ liên lạc với các tàu phía Nam.
Về tình hình tàu, thuyền neo đậu tại các cảng biển của tỉnh Quảng Ngãi gồm: Cảng Lý Sơn có 302 tàu neo trú (công suất tàu của cảng là 500 tàu), cảng Tịnh Hòa có 360 chiếc neo trú (công suất cảng là 350 chiếc, đang quá sức chứa), cảng Mỹ Á là 139 tàu neo trú, Sa Huỳnh 309 chiếc và Tịnh Kỳ 36 chiếc. Có 38 lồng bè nuôi cá trên đảo Lý Sơn đã thực hiện kéo bè vào bờ, yêu cầu các ngư dân nuôi cá lồng bè lên bờ, không ở lại bè, các ngư dân trên tàu không được ở lại tàu cá neo đậu ở các bến cảng.
Nhiều tàu cá Quảng Ngãi đã vào cảng trú tránh bão số 6.
Để chủ ứng phó với diễn biến của bão số 6 và mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi xây dựng phương án di dời hàng vạn người dân vùng xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng của bão và lũ sau bão đến nơi an toàn.
Tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương tại đảo Lý Sơn và huyện Đức Phổ do Phó Tham mưu và Trưởng tham mưu của Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phụ trách, với sự phối hợp hỗ trợ của Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, địa phương và Hải Quân Vùng 3.
Dự kiến khi có tình huống khẩn cấp, huyện đảo Lý Sơn sẽ tổ chức di dời hơn 3.600 hộ, trên 13.600 nhân khẩu; huyện Đức Phổ sẽ tổ chức di dời 1.157 hộ, trên 4.000 nhân khẩu. Địa điểm di dời, sơ tán được xác định là trụ sở UBND các xã, trường học, nhà kiên cố.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng lên phương án di dời hơn 8.100 hộ, hơn 28.600 nhân khẩu nằm trong khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nước ngập sâu và sạt lở đất.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Bão số 6 diễn biến phức tạp, cường độ cao, khả năng bão sẽ cập bờ vào ban đêm và thời gian lưu bão rất dài. Bão cỡ cấp 12, chưa có cơn bão nào lớn và đặc trưng như thế này. Nếu không thay đổi cấp độ và nếu như thế này thì khả năng bão cập vào bờ…”.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị địa phương cần rà soát kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền và cư dân vùng ven biển, giảm thiểu thiệt hại do sóng to, gió lớn; đảm bảo an toàn cho người và lồng bè nuôi thủy sản trên biển; tăng cường kiểm tra các vùng trũng thấp và vùng nguy cơ sạt lở núi các khu vực xung yếu; chuẩn bị chu đáo công tác di dân, đảm bảo an toàn cho người dân; kiểm tra an toàn hồ chứa, kể cả hồ chứa nhỏ và quy trình xả lũ…