Phải đảm bảo điều kiện cho báo chí sống được bằng nghề
Quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh và truyền hình trong bối cảnh báo chí đang phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội. Tình trạng “báo hóa” tạp chí đang làm phát sinh nhiều biểu hiện tiêu cực, cơ quan chủ quản buông lỏng phó mặc cho cơ quan báo chí tự bươn chải là một trong những nguyên nhân khiến báo chí xa rời tôn chỉ mục đích… Những vấn đề ấy đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn đề cập trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn hồi cuối tuần.
Đại biểu Quốc hội chất vấn tại hội trường.
Có xử lý được tình trạng“báo hóa” tạp chí?
“Báo hóa tạp chí” điện tử, kéo theo nhiều biểu hiện tiêu cực, đó là vấn đề được ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu ra tại nghị trường. Trong khi đó, ĐB Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng, một số cơ quan chủ quản báo chí - chủ yếu ở các hội xã hội nghề nghiệp - buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí, thậm chí còn khoán thu, phó mặc cho các cơ quan báo chí tự bươn chải. Đó là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, xu hướng “báo hóa” tạp chí.
Với tồn tại, hạn chế như thế, cần những giải pháp nào để chấm dứt tình trạng trên?
Trả lời các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật Báo chí. Hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Trong luật ghi tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí. Bộ có nhìn thấy và gần đây nhất đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương với lãnh đạo Chính phủ, Hội Nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông bàn câu chuyện trên.
Đưa ra giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng: Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại, bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cùng đưa tin một sự kiện, nhưng lẽ ra mỗi tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước Việt Nam, nhưng nhiều tờ báo, tạp chí lại không làm thế. Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân là do một số cơ quan chủ quản báo chí đáng ra phải là đơn vị quản trực tiếp các tờ báo, tạp chí nhưng lại có sự buông lỏng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ, thực sự điều làm ông trăn trở là “phải nghĩ đến chuyện đời sống của anh em”. Ông nói: Bây giờ 41.000 người sống bằng nghề báo chí, trước đây nguồn thu từ quảng cáo là khoảng 26.000 tỷ, bây giờ chỉ còn khoảng 13.000 tỷ, vì một nửa phần đó đã rơi vào các mạng xã hội nước ngoài, tức là nguồn giảm đi một nửa.
Ông trải lòng, trong luật quy định cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí, nhưng hiện nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng việc này, nên anh em phải “bơi” - đây thực sự là khó khăn. “Đúng là giải pháp chúng ta phải nghĩ đến, nhìn dưới khía cạnh rất con người tức là phải đảm bảo để anh em làm báo sống được bằng nghề. Thứ hai là Nhà nước đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị và có nguồn kinh phí để đặt hàng”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí các bộ ngành, địa phương
Trả lời ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, chúng ta có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình. Trung ương cũng nhận thấy cần phải sắp xếp lại theo hướng mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, mỗi đài phát thanh truyền hình có những lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh toàn cảnh xã hội Việt Nam, đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động báo chí sau một thời gian có sự buông lỏng.
Theo thông tin từ Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch sau đó 2 tháng. Cụ thể, tháng 6/2019, Bộ ban hành một kế hoạch gồm 2 bước: Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí ở cấp Bộ. Năm 2020, thực hiện xong quy hoạch báo chí của các Bộ ngành và các địa phương.
Bộ trưởng cũng cho biết, tình hình triển khai quy hoạch báo chí có gặp khó khăn, vướng mắc vì động đến rất nhiều cơ quan báo chí. Những cơ quan báo chí liên quan đến quy hoạch là liên quan đến 8.000 người. 8.000 người là 20% lực lượng làm báo chí toàn quốc, cho nên đây cũng là một trăn trở lớn nhất của Bộ. Khi làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cố gắng lắng nghe, tìm các giải quyết tốt nhất. “Một số cơ quan cũng xin trễ một chút; nhưng hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không chậm được nữa, vì chúng ta đã chậm 4 năm. Không còn thời gian nữa, đến 31/12/2019 mà không thực hiện sắp xếp, quy hoạch thì đình bản, đợi quy hoạch xong hoạt động tiếp” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Liên quan đến vấn đề cử tri lo lắng với tình trạng chệch hướng thông tin từ “ma trận” của các báo, tạp chí, thậm chí có tình trạng các báo chính thống phản ứng chậm, thụ động, chạy theo giải quyết hậu quả từ các thông tin sai lệch, định hướng dư luận của các báo không chính thống mà ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận: Câu chuyện đưa thông tin nhanh, kịp thời cho người dân là một việc rất quan trọng do đó tới đây, báo chí cần phải làm tốt hơn, tránh việc thông tin vẫn còn khoảng cách so với với mạng xã hội.
H.Vũ
Giảm “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”
Liên quan đến vấn đề “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” mà ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bây giờ với hàng nghìn cơ quan báo chí nếu chúng ta ngồi rà soát bằng tay thì không khả thi. Vừa qua, Bộ Thông tin và truyền thông có đưa vào sử dụng một công cụ là tất cả các báo, tạp chí đều phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về Trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử. Từ đó, chúng tôi đã phát triển một công cụ phân tích nhằm phát hiện xem có chuyện sửa bài không? có chuyện gỡ xuống không? Công cụ này sử dụng không chỉ riêng ở Bộ mà cả Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo và một số Sở Thông tin và truyền thông. Khi chúng ta có công cụ này, chuyện sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ tương đối giảm. Sắp tới làm mạnh mẽ hơn nữa thì sẽ giảm mạnh đáng kể.
Thận trọng chuyện giật tít
Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về chuyện giật tít ở trên báo, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là một vấn đề lớn, cũng nhức nhối, kéo dài, chưa có giải pháp hữu hiệu. Giật tít để câu view, mà câu view liên quan đến tiền. Bây giờ phân biệt rạch ròi việc giật tít không phù hợp với nội dung bên trong nếu mang ra phân tích rõ ràng, tường minh cũng không dễ. Vậy, bây giờ trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm đầu tiên là ở phóng viên, là do đạo đức nghề nghiệp của người phóng viên. Tiếp sau đó là Tổng biên tập. Báo chí hiện nay thuộc sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước không tiền kiểm, nhưng Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm tiền kiểm,. Vì tờ báo đại diện ngôn luận của cả một cơ quan chủ quản.