Quảng Ngãi: Tập trung phòng chống bão số 6
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trước diễn biến của phức tạp của cơn bão số 6, người dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đang khẩn trương chèn chống, gia cố nhà cửa nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính kiểm tra bờ kè ở huyện Đức Phổ.
Cả ngày 10/11, để chỉ đạo đối phó với căn bão số 6, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp kiểm tra tại các nơi xung yếu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ông Bính đã đến xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6 tại hiện trường và yêu cầu Chủ tịch xã Bình Đông phải đưa toàn bộ ngư dân còn dưới tàu thuyền, bè nuôi lên bờ ở sông Trà Bồng lên bờ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: “Đến sáng 10/11 đã đưa toàn bộ thúng lên bờ, tàu cá vào nơi neo đậu. Tất cả người nuôi cá trên sông Trà Bồng, cửa biển Sa Cần đều đã lên bờ, kéo bè cá về phía trong cảng. Nếu xảy ra tình hình khẩn cấp, xã sẽ thực hiện sơ tán, di dời 500 hộ dân vùng ven biển, ven sông vào các công trình kiên cố”.
Ông Nguyễn Tăng Bính lưu ý toàn Bình Sơn có 58 hồ chứa nước lớn, nhỏ, các hồ đập này chủ yếu là hồ đất, ông Bính yêu cầu huyện phải kiểm tra các hồ đập. Sau lũ nhiều người dân thường đi xem, đi coi sông nước, hồ đập rất nguy hiểm, dẫn đến những tai nạn không đáng có, do đó phải phân công lực lượng trực cắm chốt tại các hồ đập.
Người dân ở vùng nguy hiểm được di chuyển đến nơi an toàn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 10/11, nhiều người dân ở vùng biển huyện Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang khẩn trương ra bãi biển lấy cát về chèn, chống lại nhà cửa; đồng thời nhiều hộ dân cũng tiến hành dùng dây thép buộc chặt thêm phần mái tôn trên nhà để chống chọi lại với cơn bão số 6.
Ông Trần Phước Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: “Trong sáng ngày 10/11, tại xã Phổ Thạnh, huyện đã tiến hành cho di dời khoảng hơn 100 hộ dân với trên 400 nhân khẩu. Việc di dân chủ yếu là lồng ghép từ những nhà không kiên cố qua nhà kiên cố. Ngoài ra, huyện còn bố trí các địa điểm di dân tập trung là đồn biên phòng, nhà văn hóa thôn, trường học”.
Chiều ngày 10/11, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Đây là địa phương thuộc diện có nguy cơ ảnh hưởng lớn của bão số 6.
Ông Bính cho biết: “Đến thời điểm đầu giờ chiều 10/11, chúng tôi hoàn thành công tác di dời 10.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng của bão đến những nơi an toàn”.
Người dân chằng chống nhà cửa để ứng phó bão số 6 đổ bộ vào.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến 5h30 phút ngày 10/11, số tàu cá của tỉnh ở trên các vùng biển là: 323 tàu/3.945 lao động, cụ thể: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa: 77 tàu/532 lao động; Vùng biển quần đảo Trường Sa: 95 tàu/ 2.257 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Bắc: 106 tàu/ 731 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Nam: 45 tàu/ 425 lao động; có 4 tàu/178 lao động cập bến Philippin. Tổng số tàu thuyền đã kêu gọi vào bờ, neo đậu tại tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận đảm bảo an toàn: 5.241 phương tiện/28.343 lao động.
Đến chiều ngày 10/11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 6 tại các đại phương và yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố ven biển, đảo và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức theo dõi, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 6 để chủ động phòng, tránh; liên lạc với các tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Có thể nói tỉnh Quảng Ngãi đã rất chú trọng đến công tác phòng chống bão số 6. Tất cả đã sắn sàng ứng phó nhằm hạn chế tối đa thệt hại khi cơn bão đỗ bộ vào nơi đây.
Người dân huyện Mộ Đức dùng bao cát gia cố nhà cửa.