Nguy cơ bị loại khỏi 'cuộc chơi số'

Minh Phương 11/11/2019 07:00

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết đối với việc đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ. Dù biết như vậy song nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa sẵn sàng vào cuộc, tình trạng sử dụng máy móc thiết bị lạc hậu, sử dụng lao động thủ công vẫn phổ biến.

Kết quả khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, hầu hết các DN Việt Nam chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Theo điều tra năm 2018 của Bộ này cho biết, tỷ lệ những DN đang ở ngưỡng “nhập cuộc” chuyển đổi số chiếm tới 82%. Trong đó, có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số”. Khảo sát công nghiệp chế tác năm 2019 cho thấy, 35% số DN Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho quản lý chuỗi cung ứng, trong khi ở Thái Lan là 38%; 77% số DN không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan chỉ 40%)…

Điều này cũng đã được TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế không ít lần nhấn mạnh. Theo TS Thiên, mặc dù các DN Việt hiểu rất rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, bản thân nhà quản lý cũng luôn nhấn mạnh, đề cao vai trò của khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong thời kỳ hiện nay, song việc thực thi trong thực tế lại không được như kỳ vọng. Lý do cơ bản là dù chúng ta nhận diện thời cơ nhanh và đúng, nhưng chỉ dừng lại ở nhận thức, không quyết liệt triển khai bằng hành động. Mặt khác, cách thức triển khai công cuộc tiến công vào CMCN 4.0 ít nhiều còn mang tính phong trào, DN Việt Nam dường như vẫn đang ở tình thế “bắt nhịp”.

Tương tự, nhận định về sự thích nghi của cộng đồng DN nhỏ và vừa với nền kinh tế số thời gian qua, bà Vũ Thị Hồng Nhung- chuyên gia lĩnh vực chuyển đổi số cho rằng, mặc dù có đến hơn 80% số DN Việt rất quan tâm tới công nghệ số, chuyển đổi số, song 70% trong số đó vẫn còn đang băn khoăn không biết làm gì, bắt đầu từ đâu để có thể sẵn sàng với cuộc CMCN 4.0. Đáng chú ý, không ít DN vẫn đang sử dụng lao động thủ công để thay thế máy móc. Lý do, nếu đổi sang quy trình mới, số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh... sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí, trong khi lực lượng, đội ngũ công nhân lao động chưa đủ trình độ để đáp ứng công nghệ mới nên việc đào tạo cũng là cả một vấn đề nan giải.

Thực tế cho thấy, thời kỳ nền kinh tế số với sự cạnh tranh mang tính toàn cầu rất gay gắt, nếu DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, vẫn sử dụng lao động thủ công, dựa vào dây truyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu sẽ có nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi số”. Chính bởi vậy, theo lời khuyên của giới chuyên gia, DN muốn trụ vững buộc phải thích nghi với CMCN 4.0.

Minh Phương