65 năm giáo dục Thủ đô: Vẫn còn nhiều trăn trở
Ngày 11/11, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức Lễ Tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu Thủ đô năm 2019. Đây cũng là dịp Kỷ niệm chào mừng 65 năm Ngày thành lập ngành GDĐT Hà Nội (1954-2019), Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều tâm sự, trăn trở với nghề đã được các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nguồn: phunuvietnam.vn.
Những tiến bộ
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nhìn lại lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào của ngành giáo dục Thủ đô. Từ khi chỉ 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn học sinh năm 1954, đến nay Hà Nội được mở rộng cả về quy mô, diện tích; quy mô giáo dục tăng gấp đôi, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh. Toàn thành phố có 2.744 trường từ mầm non tới THPT với hơn 2 triệu học sinh. Trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố là 96,18%. Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được nâng cao về chất lượng…
Biểu dương những thành tích đạt được của ngành giáo dục Thủ đô, bà Ngô Thị Thanh Hằng- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, vẫn còn một số nội dung cần quan tâm như: Quy mô, mạng lưới trường lớp ở một số địa bàn, ngành học, cấp học còn chưa hợp lý; Chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng miền chưa đồng đều; Một bộ phận học sinh còn chưa ngoan về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích và tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn là mối lo của xã hội. Bên cạnh đó một bộ phận cán bộ giáo viên trong đó có cả cán bộ quản lý năng lực còn hạn chế, chưa tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, thiếu chuẩn mực đạo đức. Vẫn còn tồn tại về vấn đề quản lý tài chính, thu chi các khoản phí, gây dư luận xấu trong xã hội. Đời sống, hoàn cảnh của một bộ phận cán bộ giáo viên còn khó khăn.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý năm học 2019-2020, ngành GDĐT Thủ đô cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của Ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng. Trong đó hoàn thành việc rà soát bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường, chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh… Đặc biệt chú trọng quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Gìn giữ hình ảnh người thầy
Tại Lễ tuyên dương, NGND Nguyễn Kim Hoãn- nguyên Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chia sẻ, những xúc động về nghề giáo hôm nay. Ông bày tỏ những tâm tư, trăn trở về thân phận những giáo viên hợp đồng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay chúng ta tổ chức thi tuyển công khai, điều đó rất đáng hoan nghênh nhưng có tình trạng những người mới được vào, còn những người bao nhiêu năm cống hiến trong ngành giáo dục thì lại bị loại ra. Có một lý do là một số quận huyện ký hợp đồng với giáo viên có phần tràn lan nên bây giờ mới tồn đọng nhiều giáo viên hợp đồng như vậy nhưng trong số vài trăm người ấy, cũng cần giải quyết một số vào biên chế…
“Tôi mong các đồng chí lãnh đạo hãy suy nghĩ để tìm ra các giải pháp có lý có tình để tuyển chọn được những giáo viên tận tâm với nghề. Làm sao để giữa cái cũ và cái mới thật hài hòa. Đó là chưa kể những giáo viên hợp đồng có mức lương rất không thỏa đáng, rất thấp…”- NGND Nguyễn Kim Hoãn bày tỏ.
Ông đề xuất có cơ chế xét tuyển ưu tiên cho những người lâu năm đã rồi còn bao nhiêu mới tuyển mới. Hoặc mỗi một năm tuyển một tỷ lệ bao nhiêu người đã có hợp đồng với các tiêu chí công khai minh bạch… Kể cả giáo viên đã vào biên chế, nếu không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy thì phải loại ra khỏi ngành. Nhưng không thể nói tất cả những giáo viên hợp đồng đều không đáp ứng đủ điều kiện được tuyển dụng thì không thỏa đáng.
Chia sẻ quan điểm này, nhà giáo Phạm Quang Phúc - nguyên cán bộ Sở GDĐT cho rằng, những người tham gia dạy học là vì yêu nghề, gắn bó với nghề nhưng không được tuyển dụng thì rất khổ tâm… Đời sống gia đình, tương lai, hạnh phúc của họ thật bấp bênh…
Tình trạng giáo viên được đào tạo nhưng lại không được sử dụng, hoặc tuyển dụng một thời gian ngắn rồi hết hạn hợp đồng, lại lo nơm nớp có được ký tiếp hay không khiến họ khó lòng yên tâm công tác…
Một vấn đề nữa được đề cập tại hội nghị đó là hiện nay có tình trạng các phương tiện truyền thông khai thác quá đà, các trang mạng xã hội lạm dụng hạ uy tín, làm hình ảnh người thầy thấp kém trước con mắt học sinh… Thầy là người trực tiếp truyền đạt kiến thức, dạy dỗ học sinh thành người. Mặc dù trong đó có một vài trường hợp chưa giữ gìn tư cách hoặc ứng xử chưa phù hợp… nhưng không vì thế mà làm xấu đi hình ảnh người thầy nói chung.
Cần hạn chế tình trạng này bởi điều này gây ra tâm lý an phận cho giáo viên. Họ sẽ chỉ làm hết việc, không quá nghiêm khắc với học sinh để tránh xảy ra chuyện này chuyện kia…
“Nếu xu hướng này phát triển thật là nguy hại cho ngành. Vì thế, chúng tôi mong muốn các vị lãnh đạo góp phần định hướng dư luận và truyền thông giữ gìn vị thế của người thầy”- NGND Nguyễn Kim Hoãn đề xuất.