Cắt giảm thủ tục, việc cấp phép xây dựng chỉ còn tối đa 20 ngày
Là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày. Đáng chú ý, việc xây dựng các khu đô thị tới đây, Bộ sẽ “siết” 2 bước, thẩm định dự án và bàn giao công trình…
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trình dự án luật trước Quốc hội.
Nhận ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ nhưng điểm mới nhất được thiết kế.
Lần sửa luật này, Chính phủ hướng tới mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đó, dự án luật đã tập trung vào 3 nhóm chính sách: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.
Thủ tục cấp phép xây dựng, theo đó, được quy định đơn giản. Bộ Xây dựng đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.
Ở hướng ngược lại, cùng với việc cải cách thủ tục, đơn giản hóa điều kiện, dự luật vẫn hướng tới yêu cầu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, thống nhất quản lý, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, chống tham nhũng, thất thoát…
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin, qua rà soát hơn 4400 dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai hiện nay cho thấy một số bất cập lớn là không đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nhà ở, dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác kiểm tra nghiệm thu kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc trong nghiệm thu tổng thể toàn bộ dự án.
Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tập trung vào 2 bước thẩm định dự án và bàn giao công trình nhằm khắc phục các bất cập đã nêu song không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì việc thẩm tra dự án luật.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng nêu quan điểm tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật Xây dựng Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trình bày.
Cơ quan thẩm tra nhận định, việc ban hành luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước.
Luật cũng nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng, góp phần phát triển ngành xây dựng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Đánh giá tích cực về chất lượng dự án luật nhưng Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng lưu ý, luật Xây dựng có liên quan đến nhiều lĩnh vực được điều chỉnh trong các Luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc…), trong đó có cả những dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua trong thời gian tới (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai…). Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, đề xuất định hướng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống do quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng chậm hoặc không thực hiện được trong thời gian dài; trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch; xem xét lại quy định về thẩm quyền của cấp huyện phê duyệt quy hoạch 2 địa phương trong tỉnh.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần quy định công khai độ cao tĩnh không trong quy hoạch xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi khi thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng.
Nhận định chung, cơ quan thẩm tra cho rằng, hồ sơ dự án luật của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về xây dựng của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành Luật; đã có dự thảo một số Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng.