Từ rừng sâu bước ra cuộc đời rộng lớn
Việc mới đây 14 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình nộp đơn xin thoát nghèo thật đáng ngạc nhiên. Bà con là người dân tộc thiểu số rất ít người, trong đó có 2 hộ đồng bào Rục tại bản Ón (xã Thượng Hóa). Đơn của 2 hộ này cho biết họ không muốn là gánh nặng cho xã hội, mà muốn tự lập làm ăn. Cùng đó còn có 7 hộ người Khùa, người Mày ở xã Trọng Hóa cũng tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Bà con người Rục ở Thượng Hóa (Quảng Bình) làm ruộng lúa nước. Ảnh: Quang Tiến.
Những ai từng đến các xã vùng cao, vùng sâu của huyện Minh Hóa (Quảng Bình) hẳn sẽ rất thấm thía và bồi hồi trước những lá đơn ấy.
20 năm trước, chúng tôi có dịp đến xã Thượng Hóa, nơi bà con người Rục tái định cư. Con đường vào đây xấu hết chỗ nói, ổ trâu, ổ voi liên tục. Chiếc U-oát gầm cao máy khỏe bò từng tí một, ngả bên nọ nghiêng bên kia. Có lúc phải nhờ máy kéo móc cáp kéo qua chỗ lầy.
Hơn 30 cây số mà ô tô đi từ sáng tới gần lúc chiều sắp tà mới tới nơi. Đứng ở trên cao đầu thôn nhìn xuống là những mái nhà bé nhỏ lúp xúp. Vào thôn, thật vắng vẻ. Lớp học vách nứa lợp bằng cỏ gianh là ngôi nhà to nhất thôn. Bà con thấy có khách thì tò mò tới “xem”. Hỏi chuyện không ai nói gì vì không mấy người biết tiếng phổ thông. Lũ trẻ lấm lem lặng lẽ quan sát người lạ.
Nhưng, sự ấm áp dâng lên trong tim chúng tôi khi mấy người dân trong thôn đem một xâu cá suối đến để cho khách ăn bữa chiều. Bà con nghèo, không có gì, xâu cá suối là tấm lòng của bà con, những con người nghèo xơ nghèo xác…
Đây là thôn đồng bào Rục tái định cư, trước đó bà con ở rải rác trong rừng. Khoảng những năm 1958-1959, Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) phát hiện nhóm người nguyên thủy sống giữa rừng ở khu vực biên giới Quảng Bình giáp với nước Lào. Đầu năm 1960, bà con được vận động ra sinh sống tập trung, lúc ấy chỉ có 34 người. Thời gian cứ thế trôi đi. Nếp quen sống rồi chết trong rừng khó bỏ. Cán bộ, giáo viên từ huyện, từ tỉnh vào sống với bà con. Cứ thế, cho đến năm 2012, lần đầu tiên Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp người Rục làm lúa nước, tự đảm bảo được một phần lương thực. Nhưng cuộc sống mới đến với bà con người Rục ở đây không hề đơn giản, bởi cái khó bao quanh. Núi rừng thì chập trùng âm u quá, đường sá giao thông lại khó khăn quá. Có lẽ không ở đâu con người lại phải vật lộn để tồn tại khó khổ như ở đây…
Kể lại chuyện xưa để thấy mừng thế nào khi hôm nay bà con ở cái thôn hẻo lánh gian nan ấy làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Những năm qua bà con sống ra sao, vươn lên như thế nào mà nay tự trọng làm đơn xin thoát nghèo, cũng có nghĩa là không chờ đợi sự trợ cấp của Nhà nước? Ý chí vươn lên ấy thật đáng trân trọng, kính phục.
Điều đó cũng có nghĩa là cuộc sống của bà con người Rục, người Mày, người Khùa đã sáng hơn lên rất nhiều khi mà xuất phát điểm quá thấp. Đó cũng là việc hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của chính quyền địa phương, của những anh Bộ đội Cụ Hồ, những giáo viên cắm bản, những cán bộ nông nghiệp… đã thực sự là chỗ dựa để bà con thay đổi số phận tưởng như là định mệnh hẩm hiu của mình.
Nơi này nơi khác có hộ dân thoát nghèo, làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo thì đều đáng mừng. Nhưng với bà con dân tộc thiểu số rất ít người ở Minh Hóa (Quảng Bình) thoát được nghèo là cả một vấn đề, là sự vật lộn gan góc lặng thầm ngày này sang ngày khác; vì thế niềm vui càng nhân lên gấp nhiều lần.
… Viết đến đây tôi mong có một ngày được trở lại bản tái định cư của bà con người Rục ở Thượng Hóa, Quảng Bình. Biết đâu sẽ được gặp lại người của hai mươi năm trước đã đem xâu cá suối đến cho chúng tôi trong một bữa cơm chiều. Và cũng là để tận mắt được nhìn thấy những đứa trẻ ăn mặc lành lặn, được học trong một ngôi trường khang trang. Các em chính là tương lai của dân tộc mình, một dân tộc thiểu số rất ít người đã gan góc vươn lên; rất tự trọng không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ. Họ đã có lực để bước đi trên đôi chân rắn rỏi của chính mình, để từ rừng sâu ra với cuộc đời rộng lớn.