Chống 'diễn biến hòa bình': Không thể phủ nhận vai trò của Cách mạng Tháng Mười Nga
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, xây dựng nên Nhà nước công nông, Nhà nước cách mạng của giai cấp vô sản. Cuộc cách mạng đã mở ra một thời đại mới của lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, đồng thời cổ vũ các cuộc cách mạng trên thế giới đi vào con đường xây dựng CNXH.
Những năm qua, dù các thế lực thù địch luôn tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử, nhưng chúng không thể phủ nhận được vai trò của Cách mạng Tháng Mười Nga. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.
Lênin trong những ngày Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử.
PV:Thưa ông, Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra bước ngoặt mới trong tiến trình lịch sử nhân loại. Xin ông hãy làm rõ nhận định của mình về cuộc cách mạng này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Cách mạng Tháng Mười Nga có nhiều ý nghĩa nổi bật. Trước hết, đây là cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên, xây dựng được Nhà nước công nông, Nhà nước cách mạng của giai cấp vô sản. Vì thế mà nó mở ra một thời đại mới của lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, đồng thời cổ vũ các cuộc cách mạng trên thế giới đi vào con đường xây dựng CNXH. Thành công của Cách mạng Tháng Mười khẳng định thắng lợi của CNXH, hiện thực hóa lý tưởng CNXH, Chủ nghĩa cộng sản mà Mác, Ănggen và Lênin đã khởi xướng. Nó mở ra xu thế lớn của thời đại là xây dựng CNXH-một hình thái kinh tế hoàn toàn mới, chế độ hoàn toàn tốt đẹp, mới mẻ. Cho đến nay, dù đã 102 năm trôi qua nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn giữ nguyên giá trị.
Thứ hai, cuộc cách mạng này giải phóng các nước thuộc địa. Nước Nga giải phóng thành công thì đồng thời cũng giải phóng các nước thuộc địa của đế quốc Nga trước đây. Trước Cách mạng Tháng Mười, nước Nga là một đế quốc, có nhiều thuộc địa, nhất là các nước ở vùng Kavkaz và Trung Á. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đồng thời xóa bỏ chế độ thuộc địa ở các nước đó, giải phóng và đưa các nước này tiến lên theo con đường CNXH. Sau này họ liên kết với Nga trở thành Liên bang Xô Viết. Như vậy, cuộc cách mạng này còn có ý nghĩa giải phóng các dân tộc thuộc địa, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Đồng thời, nhờ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc, thực dân, trong đó có dân tộc Việt Nam. Tại thời điểm đó, Bác Hồ đã tiếp thu tư tưởng đó của Cách mạng Tháng Mười, tư tưởng của Mác - Lênin tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Có thể nói, Cách mạng Tháng Mười Nga là tấm gương cho các nước thuộc địa đứng lên giải phóng phát triển theo con đường CNXH. Sau này phong trào giải phóng dân tộc trở thành một xu thế lớn của thời đại trong thế kỷ thứ XX.
Thứ ba, chính thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã tập hợp các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới thúc đẩy phát triển phong trào cộng sản, công nhân thế giới. Sau này hình thành nên Quốc tế cộng sản năm 1919 để lãnh đạo, chỉ đạo chung phong trào cách mạng vô sản ở các nước tư bản chính quốc.
Cụ thể, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã mang lại điều gì cho chúng ta?
- Nhờ Cách mạng Tháng Mười mà Bác Hồ tiếp cận được với tư tưởng của Mác-Lênin, định ra đường hướng cứu nước đúng đắn. Đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân yêu nước tiến tới thành lập Đảng Cộng sản và đề ra cương lĩnh giải phóng dân tộc, tiến lên CNXH để chúng ta có được những thành quả như ngày nay. Nhờ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga soi đường, dân tộc Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược đất nước, xây dựng đất nước giầu mạnh mà như Hội nghị Trung ương 4 khẳng định, chưa bao giờ chúng ta có được một cơ đồ, vị thế như ngày nay.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra bước ngoặt mới trong tiến trình lịch sử nhân loại. Thế nhưng, các thế lực thâm thù với cách mạng vẫn không ngớt xuyên tạc, phủ nhận. Vì sao họ lại làm như vậy, thưa ông?
- Họ cố tình xuyên tạc, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Mười là bởi họ thù địch về mặt chính trị, về ý thức hệ. Đặc biệt, họ lợi dụng sự sụp đổ của CNXH ở Đông Âu, Liên Xô những năm 1990 để tuyên bố CNXH đã “hết thời”. Chỉ có chủ nghĩa tư bản thôi. Chúng ta phải khẳng định sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu chỉ là thất bại của một mô hình cụ thể thôi chứ không phải bản thân CNXH hết thời. Tại sao tôi lại nói như vậy là bởi, hiện nay nhiều nước tiến lên con đường CNXH và họ vẫn có thành công, trong đó có Việt Nam.
Theo tôi, không phải đến bây giời các thế lực thù địch mới chống phá, bôi xấu những thành quả của Cách mạng Tháng Mười. Theo đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành được thắng lợi, giai cấp tư sản Nga vừa bị đánh đổ đã cầu viện 14 đế quốc liên kết, tập trung toàn bộ sức mạnh nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng Xô Viết non trẻ, ra sức xuyên tạc, vu cáo lãnh tụ V.I.Lênin và những người cộng sản Nga. Chúng cho rằng, đó là sự “đảo chính”, “tiếm quyền” lãnh đạo của giai cấp tư sản và việc thiết lập Nhà nước công - nông Xô Viết là “đi chệch” khỏi quy luật phát triển chung của xã hội loài người.
Đặc biệt, từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu lâm vào thoái trào trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, các thế lực thù địch tăng cường chống phá quyết liệt CNXH. Chúng tìm mọi cách công kích, bôi nhọ, xóa nhòa những lý tưởng nhân văn, nhân đạo của Cách mạng tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng, lý luận của cuộc cách mạng này là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng tung ra và cổ xúy đủ mọi luận điệu xuyên tạc trắng trợn, thâm độc dẫu vậy cũng không thể phủ nhận vai trò của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại trong tiến trình lịch sử.
Tuy nhiên, mọi âm mưu, thủ đoạn của họ cũng không thể phủ nhận được những giá trị lịch sử của cuộc cách mạng vĩ đại này, không thể phủ nhận được vai trò của Cách mạng tháng Mười Nga. Vừa rồi, khi chúng ta kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, rất nhiều học giả trên thế giới khẳng định rằng, không gì có thể phủ nhận ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười. Đó là quan điểm của các nhà nghiên cứu khoa học, chứ không phải của những người thuần về chính trị.
Ông Nguyễn Trọng Phúc.
Vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay?
- Cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ cổ vũ các nước tiến lên con đường xây dựng CNXH. Giờ rất nhiều nước xây dựng đất nước theo con đường XHCN như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba, Triều Tiên, và một số nước ở Nam Mỹ và đã gặt hái được những thành công nhất định. Có thể nói, cuộc Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa cổ vũ phong trào cách mạng trên thế giới. Nhưng đương nhiên, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin, hay mô hình CNXH phải vận dụng phù hợp với nước mình để tìm ra bước đi, hình thức, mô hình thích hợp. Chứ không nên áp một mô hình chung cho tất cả các nước. Trước đây ta cứ bị lệ thuộc vào tư duy cứng nhắc rằng CNXH có công thức chung, mô hình chung. Không phải thế. Cách mạng ở Liên Xô khác Trung Quốc và Việt Nam, mỗi nước phải tìm ra mô hình riêng.
Chúng ta luôn khẳng định con đường đi lên CNXH là duy nhất đúng đắn mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn từ năm 1930, không có suy chuyển. Chỉ có điều giờ mình làm thế nào cho phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tránh chủ quan, duy ý chí, tránh giáo điều, dập khuôn. Mình phải tin xã hội này là xã hội tốt đẹp. Đặc trưng đầu tiên của CNXH chính là dân giầu, nước manh, dân chủ, công bằng, văn minh thực hiện cho được 5 vấn đề này. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng phải sáng tạo. Trung thành mà không sáng tạo cũng không thành công và sáng tạo đi quá xa cũng không được.
Đặc biệt, hiện nay các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã và đang tranh thủ lợi thế về kinh tế, khoa học - công nghệ, mạng xã hội, sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, chống phá quyết liệt Chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Song, dấu ấn lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn không ngừng tỏa sáng, giữ nguyên giá trị là một cuộc cách mạng “vạch thời đại”.
Trân trọng cảm ơn ông!