Chống biến đổi khí hậu: Sự thật đằng sau các cam kết
Mới đây, Báo cáo của các chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới mang tên “Sự thật đằng sau các cam kết về khí hậu”, được Tổ chức Quỹ Sinh thái phổ quát công bố, cho thấy phần lớn những cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015 là không đủ. Trong khi đó, ngày 4/11, Mỹ đã chính thức tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận này.
Tác động tiêu cực do Trái đất nóng lên ngày một gay gắt.
Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua. Nội dung chính là duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt mục tiêu trên, các nhà khoa học khuyến cáo thế giới cần cắt giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030. Đồng thời cũng đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đối với nhiều quốc gia (kể cả quốc gia giàu có) thì cũng không dễ dàng để họ “móc hầu bao” chi cho việc chống biến đổi khí hậu, khi không ít ý kiến cho rằng đó là “vấn đề xa xỉ”. Vì thế, người ta cho rằng chỉ nên xem Thỏa thuận Paris 2015 là “kim chỉ nam để hướng tới chứ không phải để thực hiện trong thời điểm 5-10 năm nữa”.
Trong Báo cáo “Sự thật đằng sau các cam kết về khí hậu”, người ta cho rằng những điều mà thế giới làm cho đến nay là quá ít, quá chậm. Các quốc gia hành động vẫn chưa đủ để có thể làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và một số nước phát thải lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục phát thải. Theo Báo cáo, gần một nửa lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đến từ 3 nước gồm Trung Quốc (26,8%), Mỹ (13,1%) và Ấn Độ (7%). Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đều đưa ra cam kết giảm cường độ phát thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP cho đến năm 2030 và cả hai nước đều có thể thực hiện được cam kết này, nhưng vấn đề là lượng phát thải CO2 của họ vẫn tiếp tục tăng trong vòng một thập niên sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế.
Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền dưới thời Tổng thống Barack Obama đã cam kết cắt giảm 26-28% trong tổng lượng phát thải của Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút lại cam kết này.
Theo Báo cáo, chỉ có EU - chiếm khoảng 9% lượng phát thải, “có hành động quyết liệt ứng phó với biến đổi khí hậu”. EU dự kiến sẽ cắt giảm 58% lượng phát thải cho đến năm 2030 so với mức năm 1990, vượt mức cam kết đưa ra trong Thỏa thuận Paris là cắt giảm ít nhất 40%.
Theo Tiến sĩ hải dương học James McCarthy (Đại học Harvard), đồng tác giả của Báo cáo thì dựa trên phân tích kỹ lưỡng về những cam kết khí hậu, khó có thể hy vọng các nỗ lực hiện nay của các Chính phủ sẽ làm chậm đáng kể sự biến đổi khí hậu; trong khi tác động xấu của vấn đề đang rất rõ ràng trên phạm vị toàn cầu.
Việc Chính phủ Mỹ (ngày 4/11) chính thức thông báo tới Liên hợp quốc rút khỏi Thỏa thuận Paris, trong khi đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến cho những nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu do con người gây ra lại càng trở nên khó khăn.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra”. Trước đó, ngày 23/10, ông Trump đã nêu lên kế hoạch rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Pittsburgh, ông Trump cho rằng “Thỏa thuận Paris sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm”. Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 của LHQ về chủ đề này tại Paris (Pháp) hồi năm 2015. Thỏa thuận nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp bằng việc thế giới cần cắt giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030; trên cơ sở đạt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050.