Cần những chính sách ưu tiên dành cho các dân tộc thiểu số rất ít người

Lã Duy Quang 13/11/2019 08:00

Nước ta có 16 dân tộc thiểu số (DTTS) có số dân dưới 10.000 người, gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Đó là những DTTS rất ít người, phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc dưới 10 nghìn người là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Cần những chính sách ưu tiên dành cho các dân tộc thiểu số rất ít người

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm Trường PTDTNT - THCS Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Nghean Online.

1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết cũng xác định mục tiêu: “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người”.

Đồng bào các DTTS rất ít người thường cư trú ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng núi cao, biên giới: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình… Nhiều nghiên cứu cho thấy các chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh thực trạng dân số của 16 DTTS rất ít người. Đó là các chỉ số về tỷ suất chết thô, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết mẹ ở nhóm các DTTS số rất ít người đều cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc. Tuổi thọ trung bình của bà con DTTS rất ít người cũng thấp hơn đáng kể so với tuổi thọ trung bình của các nhóm dân tộc khác. Đặc biệt, số năm sống khỏe mạnh trong cuộc đời của người dân các DTTS rất ít người cũng thấp so với các dân tộc khác.

Một điểm nữa cũng rất đáng lưu ý, do hoàn cảnh địa lý, kinh tế - xã hội nhiều khó khăn nên tỷ lệ người biết đọc, biết viết trong bà con DTTS rất ít người cũng thấp, nhất là việc học tập lên cao còn rất nhiều hạn chế. Đời sống tinh thần của bà con DTTS rất ít người còn nghèo nàn, ít được sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, tivi, radio, điện thoại; Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn...

Vì thế, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS rất ít người là vấn đề rất quan trọng, không chỉ trước mắt mà phải là chiến lược lâu dài.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Trong chương trình hành động, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Bảo vệ và phát triển các DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, 16 DTTS rất ít người chính là “lõi” của “lõi nghèo” bởi hiện trạng kinh tế - xã hội khó khăn, các chỉ số phát triển đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và so với các DTTS khác. Vì vậy, thúc đẩy phát triển dân số các DTTS rất ít người sẽ tạo ra năng lực phát triển để đồng bào các dân tộc thực hiện quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác, hòa nhập với sự phát triển của đất nước.

Cần những chính sách ưu tiên dành cho các dân tộc thiểu số rất ít người - 1

Đồng bào Brâu Tây Nguyên.

2. Ngày 24/6/2019, tại huyện miền núi Con Cuông (tỉnh Nghệ An), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Thực tế, nhiều chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người được thực hiện phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, từng bước bảo đảm công bằng xã hội. Nhưng chính sách còn dàn trải, chồng chéo, nguồn lực không đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác được hết tiềm năng của vùng DTTS và phát huy bản sắc, chưa khuyến khích đồng bào tự vươn lên; sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn ít; cán bộ còn thiếu và yếu. Tuy các cuộc giám sát về đất ở, đất sản xuất, tình hình bảo đảm nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất vùng đồng bào DTTS đã được tiến hành, nhưng chưa có giải pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, giúp đỡ đồng bào giảm bớt khó khăn trong những lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, ưu tiên lo đất ở, nhà ở cho đồng bào DTTS rất ít người, gắn với việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản, bổ sung quy hoạch theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; quan tâm đến việc phát triển sản xuất. Cùng với đó, cần có chính sách đặc biệt về vốn đầu tư, vốn vay, hướng dẫn sản xuất, tổ chức cuộc sống để bà con từng bước tiếp cận, tiến tới sản xuất hàng hóa, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, các cấp, các ngành và các địa phương cần quan tâm đến việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 DTTS rất ít người, kể cả văn hóa ăn, văn hóa ở, văn hóa mặc, tiếng nói, chữ viết, văn hóa tín ngưỡng, gắn với xây dựng nếp sống mới, xóa các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt cuộc vận động an ninh cơ sở, không nghe, không đi, không làm theo kẻ xấu; có những giải pháp rất đặc biệt để tạo nguồn cán bộ DTTS, không cào bằng về trình độ, về đánh giá chất lượng với các dân tộc khác, để đến năm 2030, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở…

Lã Duy Quang