Phụ nữ đã 'thực sự' được bình đẳng giới?
Từ lâu, bình đẳng giới là vấn đề được cả xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua, Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế đã tổ chức nhiều hoạt động, dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên, tại nhiều gia đình hiện đại, việc thực hiện bình đẳng giới đang gặp nhiều trở ngại khi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn đang tồn tại…
“Rào cản” khó nói!
Tại nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – đàn ông chính là trụ cột gia đình còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình... Chính vì suy nghĩ ấy mà không ít phụ nữ chấp nhận “an phận”.
Hai từ “an phận” dường như đã hằn sâu trong tiềm thức của rất nhiều phụ nữ, ngay cả những người phụ nữ hiện đại thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 vẫn có suy nghĩ đó. Họ cho rằng bản thân cần làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, hy sinh mọi thứ để người chồng có thể phát triển và xây dựng sự nghiệp. Thế nhưng suy nghĩ ấy đã tạo nên những “rào cản” vô hình ngăn cách phụ nữ được bình đẳng, được tự tin khẳng định bản thân và phát triển tài năng của chính mình.
Bà Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - chia sẻ: có nạn nhân của nạn bạo lực gia đình rụt rè, ái ngại hỏi bà rằng: “Thế em có được chống cự lại chồng em khi chồng em đánh em không chị?”. Câu hỏi ấy đang phản ánh rõ ràng một thực tế: chính những người phụ nữ đang vấp phải những rào cản về tâm lý, văn hóa truyền thống, nền tảng gia đình do họ tạo ra, ngoài định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội và được nhiều người nhắc đến lâu nay. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác tư vấn, bà Thúy cho hay: “Hiện còn rất nhiều người trong cộng đồng, kể cả tầng lớp trí thức vẫn còn nghĩ xuôi chiều với sự phân biệt truyền thống về giá trị, vai trò, khả năng của phụ nữ và nam giới. Tôi từng chứng kiến có rất nhiều nữ trí thức, kể cả có học hàm, học vị đến tiến sĩ, giáo sư nhưng trong họ vẫn còn nguyên vẹn giá trị của một người phụ nữ truyền thống, tiếp tục chấp thuận những sự đối xử bất bình đẳng trong gia đình và chấp nhận nghe chồng mắng chửi, miệt thị, coi thường”... Thậm chí cộng đồng nhiều khi còn coi việc một người phụ nữ bị bạo lực cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng nếu một người đàn ông bị bạo lực lại sẵn sàng ồn ào bàn tán và còn cho rằng họ bị “bạo lực ngược”. “Hậu quả là người phụ nữ rất dễ im lặng, chịu đựng bạo lực gia đình do bị cô lập, tẩy chay, đổ lỗi. Họ không chỉ phải chấp nhận bạo lực gia đình bởi người gây bạo lực mà còn bởi chính cộng đồng họ đang sống” - bà Thúy nói.
Người ta càng có trí thức, có hiểu biết, có tiền bạc, thì việc lựa chọn giới tính thai nhi càng tinh vi hơn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - cho biết: ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng ở cả nông thôn, thành thị, ở tất cả các vùng, miền. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh vẫn dao động quanh ngưỡng 114,8 bé trai/ 100 bé gái. Cả nước đã có 55/ 63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/ 100. Riêng tại tỉnh Lạng Sơn, tỷ số giới tính khi sinh là 116,3/ 100 (năm 2018), cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bà Ngọc Lan cho rằng, bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối liên quan. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Mà mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.
Nếu như trước đây các cặp vợ chồng chỉ chọn lọc giới tính thai nhi bằng cách siêu âm, thai nhi là gái thì bỏ, uống thuốc, tính ngày, còn nay người ta canh trứng, đi thụ tinh nhân tạo, soi phôi để chắc chắn 100% là con trai.
Rõ ràng, sự hiểu biết, trình độ không phải là yếu tố quyết định có tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Phụ nữ trên con đường mang tên “bình đẳng”
Thống kê cho thấy: mỗi năm, hàng nghìn vụ ly hôn trong các gia đình trên cả nước vẫn diễn ra, phần lớn nạn nhân là phụ nữ, mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình. Nhiều người vợ vẫn cố gắng nhẫn nhịn khi thường xuyên bị chồng ngược đãi, hành hung mà không rõ nguyên nhân. Trong cơ chế kinh tế thị trường, mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại phổ biến tình trạng hầu như công việc nội trợ, chăm sóc con cái và người đau ốm trong gia đình được xác định là trách nhiệm của phụ nữ.
Tại Việt Nam, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, nguyên nhân chính là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường… Không hiếm gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ, lạnh nhạt với con gái.
Ngày nay, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Nổi bật là tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007-2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Đối với lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 lên 27,8% năm 2017, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/ 54 trong bảng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trên thực tế, Luật Bình đẳng giới cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập: các quy định trong Luật còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành; chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng; thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Để thực thi Luật Bình đẳng giới hiệu quả hơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành và ngay chính với bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất cho sự thành công. Bộ sẽ thực hiện lồng ghép vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai cung cấp các dịch vụ công về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc.
Có thể thấy, bản thân người phụ nữ phải tự đặt mình ngang hàng với nam giới - chấp nhận phân công công việc, khối lượng, vị trí làm việc như nam giới và phấn đấu để đạt được hiệu quả công việc tốt. Con đường mang tên “bình đẳng” không phải dễ dàng, thế nhưng mỗi người phụ nữ cần tự mình bước qua để khẳng định vị thế, vai trò của bản thân đối với gia đình và xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành văn bản về việc hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12/2019, nhằm: Thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.