Phòng ngừa, ứng phó với lỗ hổng an toàn, an ninh thông tin thế hệ mới
Ngày 13/11, tại TP HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Internet vạn vật và Bảo mật thông tin (Smart IoT & Cyber Security 2019). Hơn 1.000 đại biểu đến từ Trung ương, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia cùng dự.
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Đề cập về nguy cơ bị mất an toàn thông tin IoT, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tội phạm mạng có thể tấn công có chủ đích (APT) hoặc tấn công DDOs (tấn công từ chối dịch vụ) bằng hàng trăm ngàn camera kết nối internet (IP camera).
Ông Lịch cho rằng, IoT mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là trong vấn đề an toàn thông tin (ATTT) và bảo mật dữ liệu. Hiện nay, nguy cơ sự cố mất an toàn thông tin mạng xuất phát từ thiết bị IoT đang gia tăng nhanh chóng.
Để có thể phát triển lâu dài và bền vững hệ sinh thái IoT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tập trung sớm xây dựng, hoàn thiện các chính sách và giải pháp tổng thể để bảo đảm ATTT cho hệ sinh thái này dựa trên 5 đối tượng liên quan là cơ quan quản lý nhà nước; nhà sản xuất và phát triển giải pháp cho thiết bị IoT; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông và internet, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT; và người sử dụng thiết bị IoT (tổ chức, cá nhân).
Ông Yue Chin Beng, Giám đốc kinh doanh khu vực Fortinet châu Á - Thái Bình Dương đưa ra nhận định, nguy cơ bảo mật đối với thiết bị IoT đang phát triển mạnh và nhiều hình thức tấn công khác nhau và tội phạm mạng có thể mua các công cụ tấn công (mã độc, virus do thám...) dễ dàng trên mạng.
Xu hướng chuyển đổi số hiện nay cùng những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp kết nối hàng triệu thiết bị IoT và mở ra những cơ hội phát triển đột phá cho các doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới sự xuất hiện của những lỗ hổng bảo mật mới, những cuộc tấn công mạng ngày càng dồn dập và tinh vi. Do đó, cần tăng cường bảo vệ mạng lưới thiết bị IoT. "Chúng ta cũng phải xem lại các hộ gia đình hiện nay sử dụng nhiều thiết bị IoT (như IP camera); nhưng liệu họ có được bảo vệ bởi hệ thống tường lửa, phòng chống mã độc giống như hệ thống thiết bị mạng của các công ty hay không", ông Yue Chin Beng nhấn mạnh.
Thông qua hai chuyên đề được trình bày, giới thiệu tại hội thảo gồm: “Khai thác tiềm năng IoT (Internet of Things) trong quá trình chuyển đổi số”, các đại biểu tham dự đã giới thiệu, phân tích và thảo luận những ứng dụng IoT mới nhất trong các lĩnh vực như: hệ thống quản lý giao thông thông minh, quản lý tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng; vai trò của các công nghệ (Điện toán biên, điện toán mây,…) trong quá trình triển khai IoT và bảo đảm an toàn thông tin.
Đối với chuyên đề “Quản lý ATTT trong thế giới IoT cũng đã cập nhật cho khách tham dự những xu hướng tấn công an ninh mạng thế hệ mới và giới thiệu các giải pháp bảo mật đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp kiến thức, kinh nghiệm để chuyển đổi chiến lược bảo mật thông tin theo hướng chủ động và tự động.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đánh giá cuộc cách mạng 4.0 đã và đang mang đến những thay đổi chưa từng thấy cho các ngành kinh tế nói riêng và cả xã hội nói chung. Trong đó, công nghệ IOT với khả năng kết nối vạn vật các vật thể lẫn con người nhằm tăng cường khả năng giám sát giúp thay đổi nhanh chóng nền kinh tế - xã hội và cuộc sống của con người.
Ông Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa tương lai internet, kết nối vạn vật nói riêng và quá trình chuyển đổi số nói chung tại Việt Nam. Tại nước ta cũng xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm điều hành thành phố thông minh.
Tuy nhiên, khi càng nhiều kết nói được thiết lập thì càng nhiều dữ liệu được ảo hóa và trở trành mục tiêu tấn công của tội phạm công nghệ cao. Trong bối cảnh IOT đang trên đà phát triển bùng nổ thì việc nhanh chóng cải thiện năng lực dự báo, phòng ngừa và ứng phó với các lỗ hổng an toàn, an ninh thông tin thế hệ mới là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Tại TP HCM, địa phương đang triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết, thời gian qua thành phố đang triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề nóng trong các lĩnh vực như: giao thông, y tế, môi trường.
TP HCM đang triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, trong giai đoạn đầu đang tập trung vào việc xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, trong đó có khung kiến trúc về đô thị thông minh cho các quận, huyện, sở ngành, xây dựng trung tâm dữ liệu mã nguồn mở trên cơ sở kết nối được thông tin của các doanh nghiệp, trung ương.
Thời gian tới, TP HCM sẽ thành lập công ty về an toàn thông tin để kêu gọi các nguồn lực để giúp thành phố trong vấn đề này nhằm vừa bảo đảm được nhu cầu kết nối vừa bảo mật được thông tin.