Hội nghị BRICS và cơ hội mới cho kinh tế toàn cầu

Khánh Duy 14/11/2019 07:50

Hội nghị thượng đỉnh Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS), khai mạc trong hôm 13/11, diễn ra trong bối cảnh cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ. Bởi vậy, hội nghị lần này được xem là cơ hội để khởi động lại chương trình nghị sự nhằm cải thiện các nền kinh tế trong khối.

Hội nghị BRICS và cơ hội mới cho kinh tế toàn cầu

BRICS tập hợp 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; chiếm 42% dân số thế giới, với 23% GDP toàn cầu và khoảng 17% thương mại thế giới.

Nhiều biến động

BRICS khai mạc hôm 13/11 tại Brasilia (Brazil), đã thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế tới một nhóm các quốc gia đông dân, trong bối cảnh các siêu cường phương Tây đang trong tình trạng bất ổn nhất suốt nhiều năm qua.

BRICS từ lâu được xem là một nhóm quy tụ các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực của họ, nhưng lại không được các thể chế tài chính hàng đầu thế giới - nơi mà châu Âu và Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn - chào đón.

Dù là một hội nghị chuyên về kinh tế, nhưng BRICS năm nay chắc chắn sẽ "nóng" với những vấn đề địa chính trị: Làm thế nào để tận dụng cơ hội trong bối cảnh EU đang ngày càng rạn nứt và một nước Mỹ đang tự cô lập mình dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump? Và các yếu tố trên sẽ tác động như thế nào tới khu vực và tầm ảnh hưởng của họ.

Trung Quốc hiện đang trong quá trình thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường, phân phối các khoản đầu tư khắp thế giới.

Nga đang cố gắng thúc đẩy ngoại giao ở khu vực Trung Đông. Ấn Độ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để làm trụ đỡ cho dân số 1,3 tỷ người, và Nam Phi phải gánh vác trọng trách của toàn châu lục trên vai.

Các chủ đề chính mà BRICS sẽ thảo luận năm nay sẽ bao gồm các vấn đề liên quan tới Ngân hàng Phát triển Mới cùng Hội đồng Kinh tế của khối, tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy và cách tiếp cận với thị trường Mỹ...

BRICS hiện chiếm tới 42% tổng dân số toàn thế giới và nếu họ có thể tìm ra được biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng tới đà tăng trưởng GDP - như giáo dục, an ninh, thay đổi về lực lượng lao động, vấn đề môi trường, nợ công - họ sẽ bảo vệ được nền kinh tế của mình trước sự gián đoạn của nền kinh tế toàn cầu.

Sự kiện BRICS năm nay thu hút được sự quan tâm của giới chuyên và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ và EU dường như lại không xem trọng sự kiện này, bởi còn đang phải vật lộn với các vấn đề nội bộ của họ.

Một cột trụ quan trọng

Sự chênh lệch đáng kể về sức mạnh kinh tế giữa các thành viên BRICS và sự khác biệt sâu sắc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng Venezuela...đã đặt ra câu hỏi lớn về vị thế và tương lai của tổ chức 28 tuổi này.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P hồi tháng trước cho hay, BRICS "có thể không còn ý nghĩa”. Báo cáo của S&P đánh giá rằng "quỹ đạo kinh tế dài hạn mang tính chia rẽ của 5 nước đã làm giảm giá trị phân tích của việc xem BRICS như một tổ chức kinh tế chặt chẽ”.

Tuy vậy, sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Brasilia vẫn cho thấy sự cần thiết của BRICS trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động như hiện nay.

Theo giới chuyên gia, BRICS vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh và Moscow. Trung Quốc cho rằng đây là một trụ cột trong mô hình trật tự quốc tế với Trung Quốc giữ vai trò trung tâm hơn. Còn đối với Nga, đây là tổ chức cực kỳ hữu ích trong trong bối cảnh họ đang bị phương Tây cô lập.

Đối với New Delhi, việc tăng cường tiếng nói tại một tập hợp lực lượng bắc cầu qua 3 châu lục cũng là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao đa phương của Thủ tướng Modi. Xây dựng một thế giới đa cực là một trong những chủ đề thảo luận của chính giới Ấn Độ và BRICS vẫn là một diễn đàn để New Delhi theo đuổi mục tiêu hướng tới cường quốc khu vực.

Khánh Duy