Cải cách bộ máy phải như cải cách kinh tế

H.Vũ 15/11/2019 00:00

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường đã nhận được sự tán thành của các ĐBQH.

Cải cách bộ máy phải như cải cách kinh tế

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Tán thành không tổ chức HDND cấp phường

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, cần xác định rõ địa vị pháp lý của UBND phường vì phường không còn cấp quy hoạch, quản lý mà chỉ là “cánh tay nối dài” của UBND quận, thị xã. Vậy quan hệ của UBND phường trong giải quyết khiếu nại tố cáo, đất đai như thế nào khi trách nhiệm cá nhân theo quy định thì Chủ tịch UBND phường phải chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, thị xã và giám sát của HĐND quận, thị xã?

Phân tích thêm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Quốc hội khóa XIII khi sửa Hiến pháp không tổ chức HĐND cấp phường, sau đó thí điểm tại 11 tỉnh, thành. Bây giờ thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường là sự đột phá, dám làm của Hà Nội với cơ sở lý luận dựa trên thực tiễn. Việc thí điểm đáp ứng trình độ đô thị hóa, giảm cấp trung gian, thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Theo ông Phương mô hình chính quyền đô thị chỉ phù hợp với 2 cấp là thành phố và huyện thị xã. UBND phường chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ công, là “cánh tay nối dài” của UBND quận. Nếu thành công, có thể nhân rộng mô hình này trên toàn quốc để sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên việc thí điểm cũng cần có giới hạn, trong nhiệm kỳ 5 năm là phù hợp.

Theo ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), nước ta diện tích nhỏ, chia thành 63 tỉnh là quá nhiều, việc chia nhỏ làm cho nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực bị chia cắt, lợi ích nhóm, có biểu hiện cục bộ đang làm giảm phát huy thế mạnh phát triển của đất nước, lãng phí nguồn lực. Do đó bộ máy cũng cần cải cách tinh gọn. Theo ông Hùng, bộ máy phường hiện nay đang cồng kềnh, làm lãng phí nguồn lực, vì vậy chính quyền đô thị Hà Nội chỉ nên còn 2 cấp là cấp thành phố và quận.

Tán thành quan điểm trên, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, thời gian qua hoạt động giám sát của HĐND phường chưa rõ nét, nhân dân chưa tin tưởng, đang làm cắt khúc trong quá trình điều hành, hành chính nhà nước tại cấp cơ sở vốn đang đòi hỏi mọi quá trình diễn ra nhanh gọn của một chính quyền đô thị. Do đó không tổ chức HĐND phường là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó bà Thuận kiến nghị, xem xét mô hình này tại một số tỉnh, thành khác để cùng thực hiện, qua đó so sánh về cách thực hiện, sau đó có quyết sách chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu quả, hiệu lực.

Cải cách bộ máy phải như cải cách kinh tế - 1

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) phát biểu tại Hội trường ngày 14/11.Ảnh: Quang Vinh.

Lo ngại người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều ĐB đã bày tỏ lo ngại về việc giao Chính phủ quy định trường hợp người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần cân nhắc việc giao Chính phủ quy định miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài tại vùng kinh tế ven biển vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Theo bà Thúy, dù Dự thảo luật có điều kiện ràng buộc là không làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam nhưng có thể thấy điều kiện này không có ý nghĩa thực tiễn.

Bà Thúy cho rằng, quy định như Dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài dưới núp danh nghĩa du lịch. “Thiết nghĩ việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng an ninh khi việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo”-bà Thúy cho hay đồng thời đề nghị Quốc hội cân nhắc vấn đề này.

Cùng chung quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận vấn đề không phải là miễn mà phải làm quy trình cấp thị thực một cách đơn giản, thuận lợi. Nhiều kiều bào phản ánh hiện việc cấp thị thực qua Đại sứ quán của ta ở nước ngoài rất bất cập, nhiều người thể hiện sự không hài lòng. Do đó theo ông Nghĩa, không phải miễn thị thực là thu hút được khách du lịch mà phải thu hút du lịch bằng các sản phẩm du lịch, môi trường thân thiện, an toàn. Do đó cần nghiên cứu đối tượng nào cần thu hút, có sự định hướng ưu tiên, cần có sự chọn lọc.

Còn ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nay người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn, tình trạng vi phạm pháp luật của họ cũng ngày càng tăng lên. “Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội kỳ này có nội dung đáng chú ý xuất hiện tình trạng người nước ngoài sang Việt Nam với vỏ bọc doanh nghiệp, đầu tư, khách du lịch, nhà trọ khách sạn để lắp đặt các thiết bị để điều hành các đường dây đánh bạc rất tinh vi, khó kiểm soát, số lượng tiền và ngoại tệ thu giữ lớn. Những vụ việc này ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư kinh doanh, gây tốn kém thời gian, nguồn lực để xử lý. Do đó, Ủy ban Quốc phòng An ninh với trách nhiệm được nhân dân giao phó phải đứng trên lợi ích của quốc gia, của nhân dân”-bà Khánh cho hay.

Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định

Cùng ngày, với 90,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 851.768 tỷ đồng; Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1,069 triệu tỷ đồng, trong đó dự toán 367.709 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Tại Nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

H.Vũ