Lắng nghe để phát huy dân chủ ở cơ sở
“Thước đo lớn nhất của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chính là lòng dân đồng thuận, an ninh trật tự được giữ vững, kinh tế xã hội phát triển”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở do Ban Chỉ đạo Trung ương Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức chiều 14/11, tại Thanh Hóa.
Toàn cảnh Hội nghị.
Bà Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có ông Vũ Đức Đam- Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương; ông Hầu A Lềnh- Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam, các thành viên Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Qua tiến hành kiểm tra thực tế và báo cáo tự kiểm tra của một số địa phương, báo cáo tham luận tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (viết tắt là BCĐTƯ) đã làm rõ những ưu điểm, nguyên nhân và hạn chế về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCOCS) cụm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho thấy: Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDCOCS.
Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp với nhân dân được triển khai tích cực, có chuyển biến rõ nét và mang lại hiệu quả thiết thực. 6 tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Một số tỉnh có cách làm linh hoạt, sáng tạo như Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh đã tổ chức được hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp... thông qua đó góp phần xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất và bức xúc từ cơ sở, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được các địa phương trong Cụm triển khai sâu rộng, đạt được nhiều kết quả nổi bật, phát huy hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Thông qua việc đối thoại trực tiếp giữa cấp uỷ, chính quyền với nhân dân đã góp phần xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất và bức xúc từ cơ sở, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện QCDCOCS Cụm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn có một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện QCDCOCS tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa sâu rộng, còn hình thức, hiệu quả chưa cao, có nơi đang dừng lại ở cán bộ, đảng viên, chưa đến được với nhân dân. Việc thực hiện công khai một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của người dân ở một số nơi chưa đầy đủ, còn chiếu lệ…
Để khắc phục những hạn chế, thời gian tới, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là các quan điểm chỉ đạo, các quy định nêu gương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chương trình giảm nghèo bền vững…
Những tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai các nội dung của “Năm dân vận của chính quyền”, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Thước đo lớn nhất của việc thực hiện QCDCOCS chính là lòng dân đồng thuận, an ninh trật tự được giữ vững, kinh tế- xã hội phát triển. Kết quả thực hiện QCDCOCS cho thấy vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính…“Bên cạnh đó, cần tăng cường tính minh bạch hóa, công khai hoá, vì nếu minh bạch thì tính dân chủ sẽ được đảm bảo, nhất là ở cơ sở và phải có các công cụ công nghệ thông tin để người dân được tương tác trực tiếp với chính quyền” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Trương Thị Mai-Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng BCĐTƯ yêu cầu các tỉnh phải tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu để xây dựng thể chế tốt. Tăng cường cả nhận thức và trách nhiệm về thực hiện QCDCOCS vì yêu cầu về dân chủ là yêu cầu tất yếu, nên phải công khai, minh bạch, tiếp thu, lắng nghe rồi mới quyết định. Nếu làm tốt quy trình này, các địa phương sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.