Hiệu quả mô hình 'Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân'
Trong những năm qua, mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương đạt hiệu quả cao nhất với mô hình này.
Nhiều khu nhà trọ được trang bị phòng đọc sách giúp nâng cao kiến thức cho công nhân.
Tạo môi trường sống an toàn
Hà Nội là nơi tập trung số lượng lớn công nhân lao động ngoại tỉnh với nhiều hoàn cảnh, tính cách khác nhau, công việc ca kíp nên giờ giấc sinh hoạt không thống nhất, đời sống vật chất tinh thần lại còn nhiều thiếu thốn, lo toan nên môi trường sống và tình hình an ninh trật tự trong các khu nhà trọ công nhân rất phức tạp. Ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho rằng, mặc dù thành phố đã có những chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp đồng thời thí điểm xây dựng khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long song vấn đề nhà ở vẫn là nỗi lo toan của đa số công nhân lao động; phần lớn công nhân vẫn ở trọ và tình hình an ninh trật tự trong các khu nhà trọ vẫn có nhiều phức tạp.
Cụ thể, tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 10% chỗ ở cho công nhân lao động, còn 90% công nhân vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Đáng nói, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp như: Nhà trẻ, trường mầm non còn ít, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.
Tương tự, tại khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn cách trung tâm huyện Sóc Sơn 7km, không có nhà ở cho công nhân. Công nhân ngoại tỉnh làm việc tại khu công nghiệp này phải thuê nhà trọ trong thôn thuộc hai xã Quang Tiến và Mai Đình với số lượng hơn 2.000 công nhân. Trong đó, tại thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến có số công nhân thuê trọ đông nhất là 1.150 công nhân.
“Do đặc điểm của công nhân ở các khu công nghiệp phải làm theo ca, kíp, vì vậy việc đi lại diễn ra cả ngày lẫn đêm. Số công nhân tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định rất khó khăn trong công tác quản lý. Tình hình an ninh trật tự trong các thôn nơi có công nhân thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp, nhất là phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ, sinh hoạt, vay nợ, tệ cờ bạc, lô đề, trộm cắp tiềm ẩn phức tạp. Trước tình hình đó, mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ra đời” đã phát huy tác dụng, giúp cho tình hình an ninh trật tự tại nhiều KDC được an toàn hơn, an ninh trật tự đảm bảo hơn”, ông Ngô Văn Tuyến cho biết thêm.
Hệ thống công đoàn vào cuộc
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay cả nước có 2.538 “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, với 207.552 công nhân lao động tham gia. Đây là mô hình do Công đoàn phối hợp với Công an và chính quyền địa phương thành lập và tổ chức hoạt động đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Theo ông Lê Cao Thắng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay: Xây dựng tổ tự quản trong công nhân là một hình thức tập hợp công nhân lao động trong tình hình mới, góp phần tích cực tạo dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của công nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từ khi “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” được thành lập, tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm hơn, công nhân lao động cũng an tâm hơn.
“Để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục rà soát, kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Tổ tự quản đồng thời tập trung triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân” trên cả nước, đặc biệt trên địa bàn các khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghiệp tập trung. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Công an cùng cấp cũng như hệ thống chính trị - xã hội ở cơ sở, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động”, ông Thắng chia sẻ.