Hàng hóa 'made in Vietnam': Nguy cơ giả mạo xuất xứ ngày càng lớn
Hội nhập kinh tế mạnh mẽ là cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu song cũng dẫn đến nguy cơ bị hàng hóa nước ngoài lợi dụng đội lốt, giả mạo xuất xứ để xuất đi nước thứ 3.
Tại Hội thảo Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và các biện pháp phòng vệ thương mại do Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 14/11, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng cường giám sát các mặt hàng có nguy cơ cao, đồng thời tăng mạnh chế tài xử lý những đối tượng vi phạm.
Nhiều sản phẩm hàng hóa bị giả mạo
Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam - một nền kinh tế mở với 12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký và 3 đang đàm phán.
Theo các chuyên gia, hội nhập kinh tế mạnh mẽ khiến hàng hóa Việt Nam có nguy cơ bị giả mạo xuất xứ rất cao. Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID cho biết: “Gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng như những sản phẩm từ kim loại, nhựa, gỗ, dụng cụ thiết bị quang học…Ngay sau khi Hoa Kỳ áp thuế bổ sung với các sản phẩm này thì đây lại là mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc song cũng đồng thời là mặt hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ” – ông Claudio Dordinói và cho rằng, đó là những dấu hiệu cho thấy hàng Việt Nam đang bị giả mạo xuất xứ để xuất khẩu.
Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa để đội lốt, giả mạo xuất xứ xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này. Theo đó, ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/ QĐ –TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính – Tổng Cục Hải quan đã có những giải pháp chủ động ban hành các văn bản, quy định và nhiều động thái khác nhằm tăng cường việc kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và ghi nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Bà Mai cũng cho biết, Bộ Tài Chính cũng yêu cầu các Tổng cục, Cục và Chi cục Hải quan phân tích số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định rõ những mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ, từ đó áp dụng các biện pháp kiểm tra kiểm soát một cách chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng này.
Mặc dù vậy, tình trạng gian lận xuất xứ, mượn nhãn mác hàng hóa “made in Vietnam” vẫn đang hoành hành làm đau đầu nhà quản lý.
Gian lận xuất xứ cả hàng hóa trong nước và xuất khẩu
Tại Hội thảo, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan (Tổng Cục Hải quan) cho biết, nhóm hàng có nguy cơ gian lận thương mại cao phải kể đến các sản phẩm kim loại, các sản phẩm từ gỗ, xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, bên cạnh đó là nhóm hàng dệt may, túi xách, da giày…
Đại diện Tổng Cục Hải quan cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc đã được phát hiện, đơn cử như vụ Cục Hải quan TP. Hải Phòng phát hiện trường hợp một DN chế xuất, 100% vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, DN nhập khẩu linh kiện điện tử Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thực hiện một số công đoạn lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để tạo sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất khẩu sang nước thứ 3.
Không chỉ hàng hóa xuất khẩu bị giả mạo xuất xứ, hàng hóa tại thị trường trong nước cũng có nguy cơ cao về tình trạng này. Sự vụ Seven.AM hay Khaisilk là những ví dụ cụ thể.
Trước thực trạng gia tăng tình trạng gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác gây phương hại đến nền kinh tế cũng như các DN làm ăn chân chính, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, nhà quản lý cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, gia tăng chế tài xử phạt nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi gian lận xuất xứ. Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) đề xuất, Tổng cục Hải quan cần thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu của các mặt hàng tăng đột biến hay các mặt hàng trong diện quản lý rủi ro hay điều tra của cơ quan hải quan để từ đó có thể xác định mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ cao. Cùng với đó, cơ quan chức năng các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, giám sát để phát hiện xử lý các hành vi gian lận xuất xứ, tăng cường giám sát đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài trên địa bàn.
Đối với thị trường trong nước, các ý kiến cho rằng, các bộ ngành cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đối với việc ghi nhãn mác hàng hóa lưu thông để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn không đúng quy định để đánh lừa người tiêu dùng.