Nông dân ngoại ô tất bật vụ hoa Tết
Tại TP HCM, các huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi...nhiều năm qua nghề trồng hoa Tết khá phát triển. Chuẩn bị cho Tết Canh Tý 2020, hộ nông dân trồng hoa đang tất bật chăm sóc các loại hoa kiểng thông thường như cúc, mai, vạn thọ, và hoa lan.
Người dân TP HCM chăm sóc hoa chuẩn bị cho vụ Tết.
Lan nhập đắt hàng
Từ hơn 2 tháng nay, gia đình anh Nguyễn Văn Phong, 44 tuổi ở ấp 4 xã Xuân Thới Sơn luôn rất bận rộn với vựa lan rộng hơn 4.000 m2, được chia thành nhiều ô nhỏ với diện tích vài trăm mét vuông, tất cả đều có giàn khung sắt kiên cố.
Ngoài hai vợ chồng và cô con gái lớn, anh còn thuê thêm hai công nhân nữa để cắt tỉa, chăm sóc hoa. Anh Phong chia sẻ, năm nay gia đình đầu tư gần 200 triệu đồng cho vụ hoa Tết Canh Tý. Phần lớn số tiền trên anh dành mua lan giống, nhất là các loại phôi nhập khẩu về từ Thái Lan. “Gia đình tôi trồng lan đã 7 năm nay. Ngày thường tôi vẫn cung cấp lan cắt cành và lan giỏ cho các vựa hoa ở trên Phú Nhuận, Gò Vấp hay quận 10. Tuy nhiên dịp Tết này, dự báo nhu cầu sử dụng hoa sẽ tăng nên tôi nhập nhiều loại lan mới từ Thái Lan về bán. So với các loại lan thông thường hiện nay, lan Thái Lan đa dạng về chủng loại, màu sắc và bắt mắt hơn” - anh Phong cho biết.
Cách đó không xa, tại ấp 1 xã Xuân Thới Thượng, vựa lan của gia đình anh Đặng Văn Tùng cũng hối hả chuẩn bị cho vụ Tết. Cũng như nhiều vựa hoa lan khác, anh Tùng đầu tư để nhập các loại lan nước ngoài về bán dịp Tết. “Hầu hết các loại lan trong nước, kể cả lan rừng quý hiếm đều có nguồn gốc tự nhiên, rất khó căn đúng ngày ra bông, ra nụ. Đây là nhược điểm khiến lan trong nước không thích hợp cho dịp Tết khi mà người bán và người mua đều muốn hoa nở đúng ngày. Vì thế nhiều vựa phải nhập hoa ở nước ngoài, chủ yếu là dạng phôi hoa nhân tạo. Đây là các loại hoa mà người ta có thể tính chính xác ngày nở, ngày tàn của hoa, rất phù hợp với dịp Tết để làm quà biếu tặng. Tuy nhiên, giá lan ngoại không hề rẻ” - anh Tùng chia sẻ.
Rộn ràng thuê đất trồng hoa kiểng
Bắt nguồn từ những làng hoa truyền thống lâu năm như Gò Vấp, Thủ Đức nhưng vì quỹ đất thành phố ngày càng eo hẹp, nhiều nông dân vì muốn tiếp tục trồng hoa nên dạt ra vùng ngoại ô quận 12, Hóc Môn, Củ Chi bằng cách thuê đất. Họ thường trồng những loại hoa thông dụng và quen thuộc trong ngày Tết như lay ơn, hướng dương, vạn thọ, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, mào gà...
Nằm ngay trên đường Song Hành, địa bàn xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) là những chậu hoa mào gà và cúc mâm xôi đang nhú mầm xanh. Ông Đinh Văn Hiệp, chủ ruộng hoa cho biết năm nay gia đình đầu tư hơn 3.000 chậu mào gà và 1.000 chậu cúc mâm xôi. “Trồng hoa tết cũng như đánh bạc vậy, nhất là cúc mâm xôi. Nếu thời tiết thuận lợi, có năm mình lãi mỗi chậu cúc tới 40 ngàn đồng. Ngược lại, nếu mưa thất thường, cúc không đều màu, bị điêu bông thì có thể lỗ vốn. Ngược lại, hoa mào gà không lãi nhiều vì giá rẻ hơn nhưng lại dễ trồng. Thời tiết gần Tết càng nắng nóng, mào gà càng rực rỡ. Ngoài mào gà và mâm xôi, tháng sau tôi sẽ nhập thêm mấy trăm chậu mai kiểng ngoài Phú Yên gửi vào để bán Tết” - ông Hiệp tâm sự.
Những vựa hoa truyền thống như của gia đình ông Hiệp hiện nay xuất hiện khá nhiều. Thậm chí nhiều nông dân ở miền Tây cũng lên thành phố, tìm các khu đất ngoại ô để trồng hoa, kiểng cho vụ tết. Với lợi thế là không phải vận chuyển, nhu cầu thị trường nhiều nên nhiều gia đình chấp nhận ở thành phố vài tháng đầu tư vụ hoa tết. So với trồng hoa dưới miền Tây và thuê phương tiện mang lên thành phố dịp Tết, việc thuê đất trồng hoa vùng ngoại ô có nhiều ưu điểm hơn. Tuy nhiên, nó vẫn khá bấp bênh.