Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài
Đây là những vấn đề được các đại biểu đề cập tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài” tổ chức ngày 14/11.
Theo ước tính của Bộ LĐTB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, họ gửi về nước khoảng 2 – 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với không ít rủi ro trên hành trình mưu sinh đó, đặc biệt điển hình như vụ việc 39 lao động nhập cư người Việt tử vong khi vào Anh. Đáng lo ngại tình trạng lao động bỏ trốn bất hợp pháp ngày càng gia tăng khiến cho việc quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài càng khó khăn và phức tạp.
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, vấn đề lao động bỏ trốn hiện là vấn nạn làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam, trong đó Đài Loan là điểm nóng. Nguyên nhân chính là cộng đồng người Việt ở Đài Loan khá lớn. Một số nguyên nhân khác được đề cập tới là phí dịch vụ đi Đài Loan ban đầu cao. Hiện nay, có 226.000 người lao động người Việt lao động ở Đài Loan và có hơn 22.000 người bỏ trốn ra ngoài làm việc.
Chia sẻ về tỷ lệ lao động Việt Nam trốn hợp đồng ở nước ngoài để trở thành lao động bất hợp pháp, đặc biệt tại Đài Loan, Hàn Quốc khá cao, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phụ trách Chương trình Lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, người lao động khi ra nước ngoài làm việc gặp rất nhiều rủi ro trong suốt quá trình chuẩn bị ở trong nước, cho tới quá trình di chuyển và trong thời gian làm việc ở nước ngoài. “Lao động ở Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc chủ yếu thông qua các doanh nghiệp, dịch vụ nên phải trả phí cao nhất trong khu vực. Khi phỏng vấn các lao động họ cũng chia sẻ, việc phải trả chi phí cao, vay mượn tiền để được đi, nên họ bắt buộc phải tìm kiếm cơ hội có việc làm thu nhập cao hơn. Trong khi đó, ở nước ngoài, vẫn có chủ sử dụng lao động sẵn sàng tuyển những lao động không có giấy tờ hợp pháp, nên việc bỏ trốn ra ngoài vẫn xảy ra” – bà Thủy cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Nhật Tân, Phó TGĐ Công ty LOD cho rằng, việc lao động bỏ trốn gây mất uy tín của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị vi phạm hợp đồng với đối tác. Trong khi việc ngăn chặn lao động bỏ trốn là điều khoản cao nhất mà doanh nghiệp phải đảm bảo với đối tác. Đây cũng là điều làm doanh nghiệp đau đầu nhất, vì vừa ảnh hưởng uy tín, vừa ảnh hưởng tới tài chính. Thứ hai, thị trường của chúng ta không bền vững nữa. Vì chúng ta rất khó khăn để kí hợp đồng đưa lao động ra nước ngoài làm việc, khi để xảy ra tình trạng bỏ trốn hợp đồng sẽ rất khó cho những người đi sau, thậm chí mất toàn bộ hợp đồng, bị đóng cửa thị trường như từng xảy ra với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.
Trong 10 năm qua, đã có hơn 1 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua con đường chính thức, nhiều vùng quê đã thay da đổi thịt từ dòng tiền gửi về từ nước ngoài. Tuy vậy, ngay chính với những lao động đi theo con đường chính thức cũng đối mặt không ít rủi ro, những vấn đề không như “hứa hẹn” trước khi đi. Trong khi, để có tiền xuất cảnh, hầu hết lao động phải vay nợ, và sức ép về thu nhập khi ra nước ngoài đặt lên vai người lao động rất lớn. Khi gặp rủi ro, thu nhập không như kỳ vọng, họ có xu hướng ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Điều đó khiến lao động Việt Nam bỏ trốn hợp đồng xảy ra ở hầu hết các thị trường, tập trung nhiều nhất ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Để hạn chế lao động bỏ trốn bất hợp pháp cũng như giảm rủi ro cho lao động khi đi làm việc ở nước ngoài các đại biểu cho rằng, cần hạn chế các cấp trung gian để giảm chi phí, sử dụng lao động đã từng đi để tư vấn cho người thân, bạn bè họ; hợp tác với các trường, tăng cường đào tạo định hướng cho lao động. Đồng thời, khi người lao động hết hạn về nước thì họ sẽ được giới thiệu các chương trình khác để có thể lựa chọn, thay vì phải bỏ trốn để được ở lại.