Việt Nam có số người hút thuốc cao thứ hai Đông Nam Á
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng với khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành hút thuốc lá, Việt Nam là nước có số người hút thuốc cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường hoạt động tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam” do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học (ISMS) và Trường ĐH New York tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hút thuốc lá là một trong những vấn đề y tế công cộng hàng đầu tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là 1 trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ nam giới vẫn ở tuổi trưởng thành vẫn ở mức cao, trên 45%. Hút thuốc lá nguyên nhân của nhiều bệnh. Đáng nói, thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, mà những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn.
“Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút thuốc”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin.
Theo phân tích của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong gia đình có người mắc ung thư, có người bị tim mạch, xơ vữa động mạch mới thấy vất vả như thế nào. Bệnh viện quá tải bệnh nhân tim mạch, ung thư một phần nguyên nhân cũng vì thuốc lá.
Công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, xây dựng và triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá và giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật, kinh tế và xã hội.
Tại Hội thảo, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã trình bày về các chương trình, sáng kiến áp dụng công nghệ di động trong y tế (mhealth) để cải thiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong hỗ trợ cai thuốc lá, mhealth cũng đã được triển khai và chứng minh có hiệu quả trong việc tăng tỉ lệ cai thuốc tại nhiều quốc gia.
GS.TS Donna Shelley, Trường Y tế công cộng toàn cầu - Trường ĐH NewYork cũng chia sẻ kết quả đánh giá tính bền vững của Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã”. Dự án đã được Viện Nghiên cứu Y- Xã hội học (ISMS), Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, ĐH New York và Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ triển khai từ năm 2014 đến năm 2019 trên 26 xã/phường - với mục đích thí điểm mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở. Kết quả triển khai Dự án cho thấy tỷ lệ cán bộ y tế tư vấn ngắn hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc tại trạm y tế tăng từ 1,2% lên 51,6%. Kết quả đánh giá tính bền vững của Dự án cho thấy hơn 37% cán bộ y tế duy trì việc tư vấn hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc tại trạm y tế xã tại thời điểm 24 tháng sau can thiệp. Tỉ lệ cai thuốc thành công trong số những bệnh nhân đã cai thuốc là 74,1% ở nhóm nhận tư vấn từ cán bộ y tế và 88,9% ở nhóm nhận tư vấn từ y tế thôn bản.