Nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư

Lam Hồng 15/11/2019 16:50

Ngày 15/11, tại TP HCM, Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Mô hình tự quản đã tổ chức Hội thảo "Thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố" (gọi tắt là Mô hình tự quản). Ông Nguyễn Hữu Dũng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham dự và chủ trì hội thảo.

Nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có ông Vương Văn Nam, Thư ký Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án, Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ, UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện Ban Công tác phía Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia và đóng góp ý kiến của đại diện lãnh đạo Mặt trận, đại diện ban dân vận các sở, ban, ngành các tỉnh, thành của 32 tỉnh, thành phía Nam.

Dân tự quản tốt, giúp tinh gọn bộ máy

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tổ chức các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư luôn là vấn đề được quan tâm tổ chức thực hiện của nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy dân chủ của nhân dân tham gia quản lý xã hội. Ở những nước phát triển, bộ máy hành chính rất gọn nhẹ nhưng quản lý điều hành vẫn hiệu lực, hiệu quả chính nhờ vào hoạt động tự quản trong cộng đồng dân cư.

Ở Việt Nam hoạt động tự quản đã hình thành từ rất lâu, điển hình nhất là tự quản trong các thôn, bản, ấp, tổ dân phố thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống ở khu dân cư, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình tự quản chuyên sâu trên từng lĩnh vực như đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh góp phần phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương cơ sở. Tuy nhiên xét về tổng thể hiện nay chúng ta chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề tự quản, chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản (MHTQ).

Theo thống kê báo cáo của các địa phương, toàn quốc có 637.534 MHTQ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực về xây dựng phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, quản lý và xây dựng hạ tầng ở cộng đồng dân cư, điển hình một số mô hình đang được duy trì thực hiện có hiệu quả ở các địa phương. Đó là khu dân cư tự quản về thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, câu lạc bộ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, mô hình chăn nuôi, sản xuất và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tổ tự quản về an ninh trật tự, nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, mô hình tự quản về hành lang an toàn giao thông, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội…

Trong thời gian qua, hoạt động của các tổ chức, mô hình tự quản đã phát huy sáng tạo, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì nâng cao chất lượng cuộc sống, có sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân và trở thành các phong trào tự nguyện, tự giác của người dân. Các mô hình được xây dựng dựa trên thực tế gắn với nhu cầu, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng, nội dung sinh hoạt phù hợp theo từng thời điểm, từng chuyên đề, đa dạng hình thức tuyên truyền, thu hút nhiều thành viên tham gia. Qua đó giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những mặt đạt được thì các hoạt động tự quản, MHTQ còn những tồn tại, hạn chế, như một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc phát huy tính tự quản trong mỗi cộng đồng dân cư; một số MHTQ còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động không có kế hoạch, chưa có sức lan tỏa, sức hút đối với nhân dân tham gia. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các MHTQ còn mang tính hình thức, cào bằng, chưa động viên được tính sáng tạo, tính tự quản trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.

Nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư - 1

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Nguyên nhân của những hạn chế, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng là do việc việc tổ chức MHTQ còn tự phát, thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất, chưa có định hướng hoạt động, phân công trách nhiệm rõ ràng, chưa có đôn đốc, kiểm tra thường xuyên; mô hình tự quản chủ yếu theo hình thức phong trào, theo lĩnh vực đơn lẻ; nhận thức của một bộ phận dân cư kể cả cán bộ lãnh đạo địa phương chưa thực sự đầy đủ, thấu đáo về thực hiện các hoạt động tự quản, chưa thấy được mục đích, ý nghĩa lâu dài của việc nhân dân tự quản, do đó đã không có quyết tâm vận động nhân dân khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

Thực hiện theo tính chất mở, tự nguyện

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá về thực trạng để làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện MHTQ ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện MHTQ góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở nâng cao chất lượng công tác, quản lý xã hội trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, cho rằng, để các mô hình được hoạt động hiệu quả, ngoài việc triển khai thực hiện theo cách truyền thống như thời gian qua, thì việc xã hội hóa mô hình cũng cần được thực hiện mạnh mẽ. Việc này, theo ông Trung cần có hình thức tuyên truyền để các từng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa, từ đó họ sẽ có ý thức tham gia tự nguyện, mà khi đã tự nguyện làm thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn.

Trong khi đó, ông Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai, đánh giá ở các khu dân cư tại các chung cư việc tự quản rất tốt, từ an ninh, môi trường, các hoạt động xã hội, hầu như không cần đến chính quyền mà người dân tự làm, điền hình như ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai…Ông Trường đề nghị, mô hình này nên đưa vào nội dung của Đề án. Bên cạnh đó, cần tham khảo thực trạng của các nước xem họ làm thế nào, nhằm học tập những cái hay của họ để áp dụng cho mình.

Nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư - 2

Các đại biểu dự Hội thảo tích cực đóng góp để hoàn thiện Đề án.

Ông Trần Minh Huấn, Phó trưởng Ban Dân vận tỉnh Bạc Liêu, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Đề án nên dừng ở thôn, ấp, khóm, bởi trong hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội có rất nhiều tổ chức hội, nếu không có điều chỉnh phạm vi rất dễ gây sự chồng chéo. Ngoài ra, nên cơ cấu lượng thành viên, mục tiêu hướng tới là gì?

“Theo tôi, đây không phải là bộ máy hành chính nhưng thành lập ra cũng cần có mục tiêu, chiến lược, và cơ cấu hoạt động rõ ràng; thực hiện theo phương châm dân chủ hóa, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ông Huấn kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Ngọc Sang, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cũng cho rằng nên khai thác tính chất tự quản theo hướng mở, bởi xây dựng cứng nhắc quá tính hiệu quả sẽ giảm. Hoạt động tự quản thì phải xác định phạm vi đối tượng, điều chỉnh theo loại hình. Khai thác theo phương thức hoạt động tự quản cần làm rõ được tiêu chí hiệu quả, để có điều chỉnh phù hợp.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quang Ngãi thì mong muốn đối với MHTQ nên xây dựng hương ước để điều chỉnh. Các MHTQ ở cộng đồng dân cư khá phong phú, nếu chúng ta thực hiện không khéo rất có thể rơi vào chung chung, xa rời thực tế. Theo ông Dũng, cần có hai yếu tố là tự quản và mô hình tự nguyện, nên đi theo mô hình mở, nhưng trong đó có ràng buộc về lợi ích chung thì mới hiệu quả. Ngoài ra, cần làm rõ mối quan hệ của tổ tự quản với các tổ trong hệ thống chính trị của địa phương để tránh việc sự can thiệp sâu, làm mất đi sự tự chủ, tự quản, vì đặt sự quản lý nhiều quá sẽ gây nên sự ỷ lại, thiếu tính tự giác.

Thay mặt Ban tổ chức, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đến dự đông đủ và tham gia phát biểu đóng góp tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, các ý kiến phát biểu của các đại biểu đã tập trung vào góp ý hoàn thiện Đề án, trong đó đi sâu vào đánh giá tình hình thực trạng MHTQ trên địa bàn thôn, tổ dân phố, cơ bản thấy được những ưu điểm, cách làm hay, sáng tạo từ các MHTQ và những mặt còn hạn chế, bất cập; đồng thời cũng nêu ra những kinh nghiệm, giải pháp để làm sao tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động tự quản ở thôn, tổ dân phố; đây chính là những đóng góp quan trọng để Ban chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa Đề án.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu và cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu, báo cáo Ban Chỉ đạo để đưa nội dung kiến nghị vào Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, quyết định.

Lam Hồng