Tham nhũng vặt vẫn là vấn nạn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Bắt đầu từ năm 2021 chúng ta thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, vị trí chức danh, chức vụ lãnh đạo. Như vậy, đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo, chúng ta trả lương theo chức danh, chức vụ lãnh đạo tương ứng với ngạch công chức quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: VGP).
1. Năm 2018 có 1.657 công chức và 3.020 viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật - con số ấy được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu tại phiên trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội hôm cuối tuần qua. Người đặt vấn đề muốn biết tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức bị kỷ luật là ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, cũng giống như nhiều ĐB khác, khi mà hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham ô, lãng phí, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bố trí người thân vào làm việc trong bộ máy nhà nước tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức lo ngại.
Hãy thử xem những con số mà người đứng đầu ngành Nội vụ đưa ra để thấy: trong số các hành vi vi phạm của công chức thì liên quan đến quản lý công chức có 404 người (chiếm 24,4% trên tổng số vi phạm), vi phạm thi đua khen thưởng chỉ có 2 người (0,1%) và vi phạm khác như tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ ba là 1.791 người (75,5%). Đây là nhóm cao nhất trong xử lý đối với công chức. Trong nhóm cá nhân xử lý sai phạm, về vấn đề tài chính, ngân sách, có 1.044 người (56,61%). Riêng về số trường hợp bị kỷ luật khiển trách có 790 người (47,7%), cảnh cáo có 488 người (29,5%), hạ bậc lương 87 người (5,3%), giáng chức 51 người (3,4%), cách chức 100 người (6%) và buộc thôi việc 141 người (8,4%).
Còn về xử lý đối với viên chức, các Bộ ngành xử lý 198 người, giảm 48 người so với năm 2017; địa phương xử lí 2.822 người, tăng 98 người so với năm 2017. Các hành vi vi phạm của viên chức, trong đó có vi phạm liên quan đến quản lý viên chức là 527 người (17,5%), vi phạm liên quan đến thi đua khen thưởng 0, vi phạm khác gồm có tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ ba xử lý 2.493 người (82,5%), trong đó, cá nhân xử lý vi phạm tài chính có 1.021 người (40,95%). Về các hình thức xử lý kỷ luật, hình thức khiển trách có 1.962 người (65%), cảnh cáo 671 người (22%) và cách chức 78 người (2,6%), buộc thôi việc 309 người (10,2%).
Những con số quả nhiên biết nói! Nó cho thấy băn khoăn, thắc mắc của ĐBQH là chính xác. Về phần mình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng khẳng khái thừa nhận: “Tham nhũng vặt mặc dù nói vậy nhưng "lỗ hổng nhỏ dễ đắm thuyền", rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Những con số này chưa phản ánh đúng thực tế của xã hội”. Hệ lụy của việc này đã thấy rõ, đó là sự bức xúc, mất niềm tin của nhân dân vào đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ những người hay tiếp xúc trực tiếp với dân.
2. Có lẽ nhận thức được việc này, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1847 về Đề án Văn hóa công vụ đi kèm với đó là các phong trào thi đua xây dựng văn hóa nơi công sở. Nhưng làm sao để những phong trào như thế đi vào đời sống và không còn khoác lên mình 2 chữ phong trào, mà phải ngấm vào tư duy của người cán bộ, công chức - đó mới là điều khó khăn và là cái đích mà chúng ta cần hướng tới. Phải làm sao để cán bộ, công chức thực sự là người công bộc, làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao, trước Đảng, trước nhân dân.
Nhìn thấy những nút thắt trong công tác cán bộ đã quý, nhưng gỡ nó thế nào mới là điều quan trọng. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thực hiện một cách nghiêm minh các quy định, các hình thức xử lý cụ thể; đặc biệt phải sửa đổi cả Nghị định 34 và 29 về xử lý cán bộ, công chức thay bằng nghị định mới để cụ thể hóa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Mà theo như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đây là mục tiêu mà ngành Nội vụ đặt ra trong năm 2020. Mục tiêu đúng và trúng vì đích đến của chúng ta là làm sao ngăn chặn được và không để những phần tử cơ hội, phẩm chất đạo đức kém lọt vào trong cơ quan, hệ thống hành chính nhà nước, gây nhũng nhiễu, làm phiền hà cho người dân, giảm lòng tin của người dân.
Ở đây có thể đặt ra vấn đề kiểm tra công vụ. Tiếc là, một cơ quan quản lý biên chế, quản lý cán bộ, công chức, viên chức như Bộ Nội vụ lại phát hiện ra các sai phạm thông qua báo cáo, hành vi và những đơn từ hoặc phản ánh của báo chí. Như vậy, rõ ràng kiểm tra công vụ sẽ rất khó phát hiện được tham nhũng vặt một khi nó đã được đồng lòng che giấu. Chính từ đây, có thể thấy cần một cơ chế kiểm tra, thanh tra và giám sát sau kiểm tra, thanh tra hữu hiệu hơn để phát hiện, ngăn chặn những hành vi hay dự định tham nhũng vặt của cán bộ công chức, viên chức sớm hơn. Như thế, vừa đỡ gây tổn hại cho Nhà nước, vừa giữ được cán bộ và niềm tin của người dân.
3. Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nhiều ĐBQH đã đặt vấn đề về thi chuyên viên chính và thi chuyên viên cao cấp sắp tới còn phù hợp hay không? Câu hỏi này “đánh” trúng vào tâm lý mệt mỏi của nhiều công chức, viên chức khi cứ suốt ngày phải “chạy đua” với các lớp học, lấy hết bằng này, chứng chỉ kia để đủ tiêu chuẩn “xếp hàng” chờ thi. Một thứ “giấy phép con” gây rất nhiều phiền toái cho công chức, viên chức và quan trọng là nhiều giấy chứng nhận, chứng chỉ chưa chắc đã phản ánh đúng thực chất trình độ của công chức, viên chức.
Một năm gần đây, Bộ Nội vụ đã giao việc thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính; mà theo đánh giá của chính người đứng đầu ngành Nội vụ là: Địa phương, Bộ ngành làm rất tốt. Nhưng, từ tâm tư đến thực tế, nhiều công chức, viên chức vẫn hết sức băn khoăn về phương pháp, cách tổ chức thi, thậm chí cả việc ôn thi; bởi có những nơi khá nhiêu khê, theo kiểu “nhiều cửa, nhiều khóa” nhất là với những cán bộ công chức, viên chức đã có trên 10 năm công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực dự thi.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Bắt đầu từ năm 2021 chúng ta thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, vị trí chức danh, chức vụ lãnh đạo. Như vậy, đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo, chúng ta trả lương theo chức danh, chức vụ lãnh đạo tương ứng với ngạch công chức quy định. Còn đối với những công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì hiện nay có hai luồng tư tưởng khác nhau: Thi nâng ngạch hưởng lương hay thi theo vị trí việc làm hưởng lương theo ngạch?
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ quy định cụ thể tại Nghị định sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức. Mà, theo như đề án là trả lương theo vị trí việc. Nói cách khác, tương đương với vị trí việc làm này thì hưởng ngạch chuyên viên cao cấp; tương đương vị trí việc làm này thì hưởng lương trên chuyên viên chính. Nếu xét trong điều kiện công chức không giữ chức danh quản lý nhưng có thâm niên, có công tác và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch với một thời gian nhất định thì chúng ta có thể xét để nâng ngạch… Tóm lại, vẫn là câu chuyện thi cử khó mà dứt bỏ. Vấn đề vì thế có lẽ nằm ở chỗ phải làm sao để thật sự công bằng trong thi cử và phải thật đơn giản về thủ tục hành chính để làm sao cán bộ công chức, viên chức khi bước vào kỳ thi nâng ngạch - dù là theo vị trí việc làm hay theo thâm niên - cũng cảm thấy không bị gây khó dễ.