Mỹ và Triều Tiên cảnh báo lẫn nhau
Một vị tướng Mỹ hôm 15/11 lên tiếng cảnh báo Triều Tiên rằng Mỹ sẽ không do dự triển khai lực lượng quân sự toàn diện tới bảo vệ đồng minh Hàn Quốc, sau khi phía Bình Nhưỡng dọa làm căng vì các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân bế tắc.
Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Nguồn: Reuters.
Những diễn biến mới
Triều Tiên trong hôm thứ Tư tuần này đã đưa ra bản tuyên bố nói rằng họ cảm thấy “bị phản bội” do Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc tập trận chung bất chấp phản ứng liên tiếp của Bình Nhưỡng. Tuyên bố của Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên nói rằng cuộc tập trên là hành động vi phạm thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết trong Hội nghị thượng đỉnh Singapore hồi năm ngoái.
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington thời gian qua đã trở nên nguội lạnh do thiếu bước tiến trong các vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân và gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Triều Tiên còn đặt ra thời hạn chót vào cuối năm nay để Mỹ đưa ra cách thức tiếp cận mới, giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán, và kể từ đó liên tục cảnh báo rằng thời gian đang cạn dần.
Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn được xem là phiên bản thu nhỏ của cuộc tập trận thường niên Vigilant Ace. Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên nói rằng nước này có “quyền được tự vệ” khi đối mặt với hành động hung hăng và rằng họ sẽ buộc phải tìm “hướng đi mới” nếu Mỹ không thay đổi hướng tiếp cận.
Phản ứng trước cảnh báo của Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã đưa ra lời đe dọa sắc lạnh. Ông Milley nói rằng Mỹ luôn sẵn sàng vận dụng “tất cả khả năng quân sự” để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc trước mọi hành động - theo Reuters.
Tuyên bố trên được ông Milley đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Park Han-ki. Vị quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh về “cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm khả năng đánh chặn” cho Hàn Quốc.
Diễn biến trên xuất hiện trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có chuyến thăm Hàn Quốc, tham dự Cuộc họp tham vấn về an ninh tổ chức tại Seoul trong hôm 15/11.
Ông Esper trước đó nói rằng, ông sẵn sàng cân nhắc về việc thay đổi hoạt động quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc nếu điều đó giúp các bên vãn hồi các vòng đàm phán với Triều Tiên. Hiện có khoảng 25.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú trên bán đảo Triều Tiên.
Mọi bước đi sẽ được đưa ra “với sự hợp tác cùng các đối tác phía Hàn Quốc, chứ không phải vì nhượng bộ Triều Tiên hay lý do nào khác. Nhưng nhắc một lần nữa, đó là một biện pháp để giữ cánh cửa ngoại giao luôn mở”- ông Esper nói.
Tiếp tục bế tắc
Triều Tiên luôn phản ứng mạnh mẽ trước các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng đây là quá trình chuẩn bị cho một cuộc xâm lược đất nước họ. Tổng thống Trump dường như đã trao chiến thắng cho ông Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore hồi năm ngoái khi hạ lệnh ngừng tất cả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, với hy vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân. Quyết định của ông Trump khiến cả Lầu Năm Góc và Hàn Quốc bất ngờ bởi ông không hề tham vấn với bất kỳ ai.
Hôm trước đó, người đứng đầu đoàn đàm phán Triều Tiên cho biết đã bác bỏ lời đề nghị tổ chức gặp mặt từ phía Mỹ bất chấp hạn chót đàm phán vấn đề hạt nhân đã đến gần.
Nhà đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Myong Gil hôm 14/11 cho biết: Đại diện Mỹ Stephen Biegun đã đưa ra lời đề nghị, thông qua một nước trung gian, tổ chức cuộc gặp Mỹ - Triều vào tháng 12. Tuy nhiên, lời đề nghị của đại diện Mỹ đã bị Triều Tiên bác bỏ.
Ông Kim cho biết lời đề nghị của đối tác người Mỹ chỉ nhằm mục đích “xoa dịu” để vượt qua cái gọi là “hạn chót vào cuối năm” của Bình Nhưỡng. Nhà đàm phán Triều Tiên cho biết “không hứng thú với những cuộc đàm phán” chỉ mang tính xoa dịu như vậy.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu xấu đi, sau khi Bình Nhưỡng phát đi những đe dọa cứng rắn nhắm vào các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.