Cáo buộc mới vụ MH17 bị bắn hạ
Mới đây, nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu đã công bố những đoạn ghi âm của cuộc điện đàm cho thấy các thủ lĩnh ly khai ở Ukraine đã nhận điện đàm từ nước ngoài trước khi bắn hạ máy bay MH17 vào thời điểm 5 năm trước. Điều này một lần nữa dấy lên quan ngại đối với những chiếc máy bay thương mại cỡ lớn không có gì bảo vệ khi bị tấn công.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm thi thể nạn nhân vụ thảm kịch máy bay MH17, ngày 17/7/2014.
Trong cuộc điều tra vụ bắn rơi máy bay của hãng Malaysia Airlines (số hiệu MH17) ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, nhân vật được nghe thấy trong cuộc điện đàm được cho là Vladislav Surkov, người được các thủ lĩnh ly khai gọi là “người đàn ông của chúng tôi”.
Nhóm điều tra cho hay: Phân tích gần đây về các lời khai của nhân chứng và những thông tin khác cho thấy ảnh hưởng của nước ngoài đối với Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng. Cũng có nghĩa là có một mối quan hệ mật thiết nào đó giữa nhóm li khai Ukraine với bên ngoài. Nói như Alexander Borodai- cựu lãnh đạo phe ly khai, thì: “Tôi đã thực hiện mệnh lệnh. Đó là điều quan trọng nhất. Bất kỳ mệnh lệnh đó đến từ đâu”.
Trước đó, Borodai từng cho biết đã liên lạc với “người đàn ông bí mật” Surkov khi ông còn là thủ lĩnh ly khai hàng đầu ở miền Đông Ukraine; nhưng phủ nhận có bất kỳ vai trò liên quan nào trong vụ bắn hạ MH17 khiến 298 người thiệt mạng vào năm 2014.
Nếu được xác nhận, những đoạn ghi âm kể trên sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy có thế lực nước ngoài (được cho là người Nga) kiểm soát trực tiếp lãnh đạo phe ly khai ở Ukaine, trong đó có việc bắn hạ máy bay chở khách MH17.
Nhắc lại, chuyến bay 17 của Malaysia Airlines (MH17/MAS17) là chuyến bay quốc tế thường lệ từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị bắn rơi vào ngày 17/7/2014, gần Hrabove, tỉnh Donetsk, Ukraine, cách biên giới Ukraine - Nga 40 km; khiến toàn bộ 283 người cùng 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Theo giới chức Ukraina, chiếc máy bay bị bắn rơi ở độ cao 10.000 m bởi một tên lửa đất đối không bằng hệ thống tên lửa Buk (có xuất xứ từ Nga). Lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dẫn lời các quan chức tình báo Hoa Kỳ, nói rằng chiếc máy bay bị tên lửa bắn hạ, và rằng có những “bằng chứng đáng tin” cho thấy tên lửa này được phóng từ địa điểm nắm giữ bởi quân ly khai thân Nga.
Tuy nhiên,Chỉ huy không quân Nga - Trung tướng Igor Makushev cho rằng chiếc máy bay đã bị người Ukraine bắn bằng tên lửa hoặc máy bay chiến đấu. Ông Makushev nói tại một cuộc họp báo rằng radar Nga phát hiện một máy bay phản lực gần ngay trước khi vụ tai nạn, và nó có lẽ là một máy bay phản lực chiến đấu Ukraine.
Ngày 24/5/2018, nhóm điều tra chung bao gồm Hà Lan, Australia, Bỉ, Ukraine trong kết luận của mình cho rằng, tên lửa Buk đã bắn hạ MH17.
Tuy nhiên, ngày 30/5/2018, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke và sau này, ngày 31/5/2019 Thủ tướng Dr Mahathir Mohamad cho rằng “không có bằng chứng về việc Nga có trách nhiệm về vụ MH17 mặc dù “người ta” cố gắng gắn nó vào trách nhiệm của người Nga”.
Đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không Malaysia Airlines, tai nạn thảm khốc liên quan đến Boeing 777, đồng thời là vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất kể từ sau Sự kiện 11/9 với 298 người thiệt mạng. Đây cũng là vụ tai nạn thứ hai xảy ra với Malaysia Airlines trong năm 2014 khi trước đó, ngày 8/3, chuyến bay MH370 mất tích khi đang trên đường bay đến Bắc Kinh. Malaysia Airlines sau đó đã cho nghỉ bay toàn bộ máy bay Boeing 777-200ER vào ngày 26/3/2016 sau 2 vụ tai nạn khiến 537 người thiệt mạng (239 MH370 + 298 MH17).
Xung quanh vụ MH17 bị bắn hạ, từng có nhiều đồn đoán, suy diễn. Nhà báo C.J. Chivers của tờ New York Times dẫn lại nguồn tin từ một quan chức hàng không cho biết có sự trùng lặp những con số 7 đáng chú ý xoay quanh thảm họa này. Theo trang Airline Reporter, chiếc máy bay Boeing 777 này được Boeing giao cho Malaysia Airlines vào năm 1997 và chuyến bay đầu tiên của nó là ngày 17/7/1997, đúng 17 năm trước ngày định mệnh của chiếc máy bay này với chuyến bay MH17, vào ngày 17/7/2014 (2 lần 7=14 hay 2+1+4=7).