Chông gai con đường tự chủ đại học
Mặc dù là xu thế tiên tiến và tất yếu nhưng tại Việt Nam quá trình tự chủ giáo dục ở bậc đại học (ĐH) vẫn còn diễn ra khá chậm và nhiều chông gai. Có nhiều nguyên nhân khiến quá trình tự chủ ở các trường ĐH hầu hết vẫn chỉ là thí điểm dù Luật Giáo dục ĐH mới ban hành đã có quy định khá rõ về nội dung này. Trong đó, quan trọng nhất chính là nhiều cơ quan vẫn chưa muốn tháo bỏ các cơ chế để các trường ĐH được thực sự tự chủ.
Tự chủ ĐH là trường có thể tự thu tự chi, tự tuyển các giảng viên, nhân viên và cân đối nguồn ngân sách hoạt động cũng như tuyển sinh. Ảnh: Quang Vinh.
Nút thắt cơ chế
Ngày 15/11 tại TP HCM, Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông phối hợp với Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ tổ chức hội thảo khoa học “Tự chủ đại học trong thời kỳ hội nhập”. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà giáo, lãnh đạo các trường ĐH trên cả nước với những tham luận tâm huyết nhằm để tạo cơ chế tự chủ trong giáo dục ĐH.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ cho biết, nhu cầu tự do học thuật, tự do phát triển là mô hình chung của nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Trường ĐH có thể phát triển tốt mà không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan chủ quản nào. Cũng theo ông Hoàng, trừ trường hợp đặc thù, còn hầu hết các trường ĐH chuyên về khoa học, nghề nghiệp, công nghệ nên bỏ cơ quan chủ quản để các trường được tự phát triển. Cơ quan nhà nước chỉ nên kiểm tra chất lượng, kiểm tra các khâu đào tạo theo quy định chung của pháp luật. Tự chủ ĐH nhìn ở khía cạnh nào đó cũng giúp cho nguồn ngân sách nhà nước bớt đi gánh nặng vì nhiều trường ĐH phải sống dựa vào nguồn ngân sách.
Trong khi đó, theo GS.TS Trần Hồng Quân- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, mô hình tự chủ ĐH trên thế giới và Việt Nam có nhiều sự khác nhau. Thậm chí ngay tại nước ta, mô hình tự chủ của các trường cũng có khác nhau. Có trường được Nhà nước thành lập, chu cấp ngân sách để phát triển sau đó được thí điểm cơ chế tự chủ, có trường thì tự chủ ngay từ đầu. Tự chủ ĐH là trường ĐH không phụ thuộc vào tài chính với cơ quan chủ quản. Trường có thể tự thu tự chi, tự tuyển các giảng viên, nhân viên và cân đối nguồn ngân sách hoạt động cũng như tuyển sinh. Tất cả các hoạt động của trường đều tuân thủ theo đúng quy định về luật giáo dục của Nhà nước. Mặc dù có vẻ đơn giản nhưng với nhiều bộ ngành, việc gỡ bỏ cơ chế để các trường được tự chủ là có vẻ là vấn đề rất khó khăn, thậm chí xảy ra không ít lùm xùm.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với mô hình tự chủ ĐH, không ít ý kiến cũng cho rằng, do đặc thù của xã hội nước ta, Nhà nước cũng cần cân đối các nhu cầu cũng như nguồn nhân lực nên cần có sự quản lý, kiểm soát các trường ĐH như tăng giảm các mô hình đào tạo sao cho phù hợp với tình hình chung của xã hội. Ngoài ra, nhiều trường ĐH được thành lập và phát triển dựa trên nhiều yếu tố khi sử dụng tài sản của ngành/tỉnh thành nên nếu để các trường tự chủ, việc xử lý các tài sản này cũng vô cùng khó khăn…
Chờ sự tự nguyện
Điển hình về mô hình tự chủ ĐH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiều năm qua đã tự chủ về mặt tài chính, thu chi cũng như việc tuyển sinh, tuyển các giảng việc, cán bộ của nhà trường. Trường này đã đạt được nhiều thành tựu, vươn lên là một trong những trường ĐH lớn ở Việt Nam và châu lục dù có lịch sử hình thành khá non trẻ. Theo TS Lê Vinh Danh- Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mô hình cơ quan chủ quản đã có nhiều ràng buộc với các trường ĐH, CĐ. Thậm chí nhiều cơ quan chủ quản không giúp gì được các trường nhưng lại muốn chi phối nhiều hoạt động giảng dạy, tuyển sinh, tuyển cán bộ nhân viên nhà trường. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiều năm qua đã phát triển vượt bậc dựa trên đường lối độc lập, tự thu chi tài chính và tuyển cán bộ nhân viên. Trường đã đào tạo hàng chục ngàn sinh viên cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Hiện nhà trường là đơn vị duy nhất cam kết đào tạo sinh viên ra trường sau 12 tháng sẽ có việc làm, giúp nhiều em rất an tâm.
Thực tế số các trường ĐH được tự chủ ở nước ta chưa nhiều. Thậm chí nhiều trường vẫn phải chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan chủ quản. Như một trường ĐH ngành Y, Dược có thể chịu sự quản lý của 2 bộ liên quan hay một trường ĐH Y, Dược trực thuộc TP HCM có thể phải chịu sự quản lý của 3 đơn vị, là chính quyền thành phố, Bộ GDĐT và Bộ Y tế. Chính vì thế, nhiều chuyên gia lo ngại những tác động tự cơ quan chủ quản có thể ảnh hưởng tới tự do học thuật, tự do giảng dạy cũng như nghiên cứu, đường lối phát triển của trường ĐH. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như nguồn tài chính, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo hay những lý do khác, các trường ĐH có nhu cầu tự chủ hiện nay đều chưa được toại nguyện. Và các quy định của pháp luật cũng không quy định lộ trình hay nghĩa vụ mà cơ quan chủ quản phải đáp ứng nhu cầu tự chủ ĐH của các trường (nếu có). Vì thế, câu trả lời về mô hình tự chủ ĐH vẫn còn rất xa vời.