Ngày hội di sản văn hóa, du lịch 2019: Nhiều hoạt động hấp dẫn
Từ ngày 21 đến ngày 26/11, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam sẽ diễn ra Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam năm 2019.
Trong Ngày hội sẽ có triển lãm khoảng 100 bức ảnh về những miền di sản của Việt Nam.
Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam năm 2019 được tổ chức bởi Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam và Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, TPHCM... Chủ đề của ngày hội là “Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển”.
BTC cho biết: Ngày hội là tổng hòa nhiều nội dung hoạt động mang tính chất giới thiệu và các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Triển lãm khoảng 100 bức ảnh với các nội dung: “Du lịch qua những miền di sản”; “Thiên nhiên Việt Nam”; “Di sản Việt Nam 2019”.
Khu trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam giới thiệu một số hình ảnh về thiên nhiên Việt Nam, tiêu biểu là thế giới côn trùng vô cùng đa dạng và phong phú do nhiếp ảnh gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florence Italia (Saulo Bambi) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ghi lại được ở Việt Nam hơn 10 năm qua.
Khu vực trưng bày của các tỉnh, thành phố với chủ đề “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch” sẽ làm nổi bật giá trị di sản tiêu biểu của từng địa phương. Những điểm đến được du khách yêu thích, diện mạo mới của di sản trong cuộc sống hôm nay. Cách khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, trong quá trình phát triển du lịch, vần đề bảo vệ di sản trong phát triển du lịch. Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống tại khu trưng bày, giao lưu cùng các nghệ nhân đến từ các bản làng xa xôi...
Có thể kể đến: Nghi lễ then của người Tày Cao Bằng: Một số trích đoạn trong nghi lễ then do nghệ nhân thực hiện (Nghi lễ Then trong đám đầy tháng và mừng thọ); “Hành trình đến vùng kinh đô Huế” - nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam, là địa phương được đánh giá cao về bảo tồn di sản văn hóa gắn với quá trình khai thác, phát huy tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và miền Trung với trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ; “Đắk Lắk vùng đất huyền thoại”; “Gia Lai - di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch” giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của địa phương cùng các nghệ nhân tiêu biểu đại diện cho các dân tộc ở Đắk Lắk và Gia Lai... các nghệ nhân sẽ đánh chiêng, xoang, trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, hát giao duyên… lồng ghép trò chuyện với du khách về phong tục truyền thống của dân tộc mình, nguồn gốc, ý nghĩa các nghi lễ. Và quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như tiêu, măng, mật ong, hạt macca, hạt điều rang muối, cà phê, nấm linh chi, sâm đá…
Một số mặt hàng lưu niệm cho du khách thưởng lãm như T’rưng, gùi, đàn Krong Pút, đàn Goong, chuông gió, mô hình nhà rông, bầu, cây nỏ, mặt nạ các loại, tù và, vòng đeo tay, thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Các nghệ nhân cũng sẽ mang nền văn hóa ẩm thực địa phương đến phục vụ nhu cầu của thực khách với các món đặc trưng bản địa như: Bò một nắng, gà nướng cơm lam, thịt bò nướng lụi, rượu cần…
Triển lãm tôn vinh 33 nghề được trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thủ công mỹ nghệ như: đúc đồng Đại Bái, chạm bạc Đồng Xâm; gốm Bát Tràng, Giang Cao, Chu Đậu; sơn son thếp vàng Sơn Đồng... Ngoài ra tại khu vực ngoài trời sẽ trưng bày không gian tranh kính nghệ thuật, không gian diều Huế và đèn lồng Hội An. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế 2019” là Lễ ký kết các điểm du lịch kết nối giữa các làng nghề, nghệ nhân tại Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Huế.
Các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng là mảng không gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, những nét đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh như: Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ, hát Then cổ, diễn xướng dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng.
Các đêm giao lưu: “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa dân tộc Tây Nguyên” và Giao lưu nhóm nhạc sinh viên chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam”.