Một lễ kết nạp Đảng đặc biệt

Khuynh Diệp (Nguyên cán bộ Văn phòng Khu ủy Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn) 17/11/2019 07:30

Năm 1972, Cánh B phụ trách nông thôn vùng ven và ngoại thành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (SG-GĐ-CL) thành lập Trường Cán bộ quần chúng (tiền thân của Trường Cán bộ TP HCM ngày nay) để bồi dưỡng những cán bộ hoạt động trong vùng địch kiểm soát, hoặc vừa mới thoát khỏi nhà tù và quần chúng ưu tú, trong đó có chị Năm Reo. Bài dưới đây ghi theo lời kể của chị Năm Reo...

Một lễ kết nạp Đảng đặc biệt

Cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn giúp dân vùng giải phóng vùng ven thu hoạch lúa.

Cuối năm 1971, chị Năm Reo cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) huyện Bình Chánh, Khu SG-GĐ-CL “nằm vùng” được phân công trở lại công tác một ở xã sát thị trấn Bình Chánh, nằm cặp quốc lộ số 4 (nay là quốc lộ 1A). Thời điểm năm 1971, khi chị trở về, xã có 15.000 nhân khẩu. Lực lượng tại chỗ của địch có một phân chi cảnh sát gồm 7 người, 6 trung đội dân vệ, mỗi ấp có lực lượng phòng vệ dân sự và phòng vệ xung kích 22 người. Ngoài ra, đơn vị lính bảo an phối hợp với phòng vệ dân sự thường xuyên hỗ trợ các đơn vị “Biệt khu Thủ đô” truy tìm cơ sở của ta và vây bắt những người tình nghi có cảm tình với cách mạng.

Trước khi trở về địa bàn cũ hoạt động, chị Năm Reo được nghe kể nhiều gương phụ nữ từng tham gia làm hậu cần cho bộ đội, từng tải thương, tải đạn trong các đợt Tổng công kích chiến dịch Mậu Thân (1968). Sau mấy năm xa cách, đến khi thấy chị xuất hiện, nhiều chị em vừa mừng, vừa sợ. Bởi kẻ thù từng tuyên bố nếu ai bắt được Năm Reo sẽ được thưởng 100.000 đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ).

Buổi đầu trở về ấp, chị Năm Reo quyết định vào gặp một chị phụ nữ hơn chị mấy tuổi, từng tham gia sinh hoạt tổ Phụ nữ Giải phóng, nhưng chị này hoảng sợ. Nghe chị Năm Reo tiết lộ: “Tổ chức bố trí tôi về đây với mục đích đưa phong trào Cách mạng của quần chúng lên”, người phụ nữ càng phát hoảng:

- Trời ơi, không được đâu, vì chị đã bị lộ rồi, không đảm bảo được đâu. Thôi chị trở lại căn cứ đi, khi nào tình hình ổn tôi sẽ tìm cách nhắn chị xuống!

Nghe chị cơ sở nói vậy, chị Năm Reo nhỏ nhẹ giải thích việc Đảng, MTDTGP quyết định phân công chị về đây, nếu mấy chị không giúp chị cũng bám ngoài bờ kinh rồi xoay xở tìm cách móc nối với mấy chị. Nếu đi chỗ khác chị cũng phải nắm cho được tình hình ở xã này để báo cáo lên Huyện ủy. Dù sống hay chết chị cũng phải bám để hoàn thành nhiệm vụ, cùng với mấy chị tập hợp chị em vào tổ Phụ nữ của MTDTGP để giành giật lại miếng cơm, manh áo và quyền được ra ruộng, ra rẫy làm ăn.

Nghe chị Năm Reo giải thích, chị cơ sở lại nói: “Không được! Bờ kinh, bờ tre nay tụi nó cũng nằm kích cả ngày lẫn đêm rình cán bộ mình trở về”.

Thấy trời bắt đầu nhá nhem tối, chị Năm Reo lấy cớ, “năn nỉ”:

- Chị cho tôi ngủ lại đêm nay, không may gặp chúng nó đi xét, thì tôi với chị may nhờ, rủi chịu.

Với sự kiên trì vận động, cuối cùng chị Năm Reo đã thuyết phục được chị cơ sở cũ để chị ngủ lại nhà mình trong tâm trạng cả hai đều thắc thỏm, hồi hộp. Rất mừng đêm ấy và nhiều đêm sau đó địch không đi ruồng, đi xét. Nhờ đó, chị Năm Rao có cơ hội tiếp cận và tạo niềm tin của một số chị em phụ nữ quanh gia đình cơ sở chị trụ bám.

Thông qua số chị em này, chị Năm Reo không chỉ trụ vững trong ấp, từng bước vừa tuyên truyền vừa tập hợp số chị em này vào Tổ Phụ nữ Giải phóng rồi giao việc cho từng người phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ. Sau khi tập hợp được quần chúng vào tổ chức của Mặt trận, chị Năm Reo kể: “Thấy chị em nhận thức tốt về vai trò của tổ chức Phụ nữ, tôi tiến lên tuyên truyền về Đảng với các chị. Nhưng khi nói việc kết nạp những hội viên phụ nữ gương mẫu vào Đảng thì các chị chối đây đẩy, nại lý do vào Đảng phải xa gia đình, phải lên căn cứ công tác…”.

Không nản chí, chị Năm Reo vừa tuyên truyền, vừa giao việc cho họ để thử thách. Cuối cùng, chị đã phát hiện và bồi dưỡng được một hội viên trong tổ Phụ nữ Giải phóng trở thành đối tượng Đảng. Khi báo cáo lên Huyện ủy, tổ chức giao cho chị kết nạp chị này vào Đảng. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, chị Năm Reo làm lễ kết nạp Đảng cho chị cơ sở ngay tại “căn cứ” của mình dưới rặng dừa nước bên bờ một con kinh nhỏ. Không có cờ Đảng, không có ảnh Bác Hồ và duy nhất có một người giới thiệu là chị Năm Reo. Chị Năm Reo đành phải mô tả nền cờ Đảng màu đỏ, có hình búa liềm ở giữa. Chị cũng tả hình Bác Hồ có đôi mắt hiền như ông Bụt, miệng đang mỉm cười với mọi người để chị cơ sở hình dung. Khi tuyên thệ, chị cơ sở không nói như chị Năm Reo dặn mà bất ngờ giơ nắm tay thật chặt, tuyên thệ từ đáy lòng: “Tao thề suốt đời trung thành với Đảng. Nếu tao có phản lại Đảng thì súng đạn sẽ ăn tao”.

Nghe chị thề vậy, chị Năm Reo động viên chị lời thề ấy chính là khí tiết của người đảng viên và nói thêm: “Khi trở thành đảng viên còn phải chấp hành Nghị quyết của Đảng, phải biết tập hợp quần chúng vào tổ chức do Đảng lãnh đạo, người đảng viên phải biết học đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính” của Bác Hồ.

Khuynh Diệp (Nguyên cán bộ Văn phòng Khu ủy Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn)