Luật thanh niên sửa đổi: Cần hành lang pháp lý để phát huy sáng tạo trong thanh niên
Những thanh thiếu niên reo hò nơi tòa xử bị cáo Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”) về tội “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc” đã phần nào cho thấy một bức tranh bất bình thường về thế hệ trẻ trong xã hội. Dường như sự lệch chuẩn đang diễn ra ngày càng rõ trong giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Vì thế giáo dục cho thế hệ trẻ là vấn đề cần được đặt ra vào lúc này xoay quanh 3 trục: Gia đình - nhà trường - xã hội. Nhưng trước tiên rất cần một môi trường pháp lý để giáo dục cho thanh thiếu niên hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội. Điều đó đang đặt trọng trách“lên vai” của dự án Luật Thanh niên sửa đổi- hiện đang được trình Quốc hội cho ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đọc Tờ trình Luật Thanh niên sửa đổi tại Quốc hội chiều 16/11.
Từ thần tượng “lệch chuẩn”…
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhìn nhận, hiện nay thần tượng của giới trẻ rất nhiều, trường hợp Khá “bảnh” cũng là một thần tượng của giới trẻ nhưng đó là một thần tượng không chuẩn. Theo ông Cầu, trong suy nghĩ của giới trẻ những thang giá trị có sự thay đổi, chính vì thế cần có cuộc chấn hưng về đạo đức. Những người trẻ hôm nay có thể thấy Khá “bảnh” là thần tượng nhưng khi được truyền thông đầy đủ, nhận thức sẽ thay đổi, nhiều người trẻ sẽ thấy kiểu như Khá “bảnh” không phải là thần tượng và họ sẽ tránh xa.
Lý giải về việc tại sao nhiều người trẻ lại có kiểu hâm mộ đối tượng như Khá “bảnh”, ông Cầu cho rằng, hiện lớp trẻ được tiếp xúc với mạng xã hội, tiếp xúc với công nghệ quá sớm. Trong quá trình lên mạng xã hội, với tất cả các loại thông tin trên đó, những người trẻ chưa đủ tri thức, nhận thức để chắt lọc. Họ thấy kiểu người như Khá “bảnh” được nhiều người hâm mộ nên cũng hâm mộ theo, chưa biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Từ thực tế đó, để hạn chế tình trạng suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ, cần phải có truyền thông mạnh, phân tích cho giới trẻ hiểu kiểu như Khá “bảnh” là không đúng. Từ đó định hướng cho giới trẻ một thang giá trị đúng với chuẩn mực xã hội, đúng với truyền thống. Mà cụ thể cần có khoảng thời gian giáo dục để giới trẻ lớn dần lên về mặt trí tuệ, thay đổi nhận thức, biết kiểu như Khá “bảnh” là không đúng và cần phải loại bỏ trong suy nghĩ.
Theo đánh giá của PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, việc reo hò chụp ảnh khi thấy bị cáo Khá “bảnh” như là một thứ bất bình thường, nếu không muốn nói là thứ “bệnh, rác” trong một xã hội lành mạnh mà chúng ta đang hướng tới. Việc xóa bỏ những cảnh tượng tương tự sẽ không phải đơn giản, dễ dàng, nhưng nếu không có biện pháp giải quyết triệt để thì có thể rác rưởi sẽ nhiều hơn. Khi rác rưởi nhiều sẽ đe dọa đến tính trật tự, văn minh của xã hội. Việc dùng luật pháp để xử lý những “thần tượng” có hành vi vi phạm pháp luật là rất nên làm để cho giới trẻ thấy rõ, thực sự người đó có đáng để hâm mộ hay không. Nhưng sâu xa hơn, cần phải xây dựng các chuẩn mực về đạo đức, lý lẽ cho xã hội và biện pháp giáo dục để nâng tầm nhận thức của giới trẻ, nhất là khi tham gia mạng xã hội. Ông Bình phân tích: “Hiện tượng lệch chuẩn như Khá “bảnh” lại gãi trúng vào xu hướng, tâm lý nổi loạn của giới trẻ và dường như ngay lập tức nó trở thành một đại diện tiêu biểu của giới trẻ. Tuy nhiên phải làm cho giới trẻ thấy và nhận thức đây là một người có hành vi phạm tội, siêu lệch chuẩn và việc tung hô là không nên, không đáng, không được làm trong một xã hội chuẩn mực đạo đức”.
… đến sửa Luật Thanh niên
Từ thực tế trên làm sao tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò thanh niên, đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên là vấn đề đáng suy ngẫm. Bởi đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ có ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng chú ý, dù đã có Luật Thanh niên năm 2005 song luật được đánh giá là “chưa đi vào cuộc sống”, do đó, việc sửa đổi lần này là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới, cũng như phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đọc Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thanh niên sửa đổi.
Cho biết về điểm mới của luật lần này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin: Dự thảo Luật quy định 8 quyền và nghĩa vụ cơ bản có tác động nhiều đến việc phát triển thanh niên. Đó là, quyền và nghĩa vụ về học tập, lao động và khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; về bảo vệ Tổ quốc; về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; về hôn nhân và gia đình; về tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội. So với Luật Thanh niên năm 2005, dự thảo Luật đã tách quyền và nghĩa vụ của thanh niên để làm rõ trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời, quy định các chính sách của Nhà nước gắn với việc bảo đảm thực hiện quyền cơ bản của thanh niên.
Thế nhưng, qua thảo luận đã cho thấy có những vấn đề “rất đáng đặt ra” trong lần sửa đổi Luật Thanh niên này. Theo ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk), dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi chưa phản ánh đầy đủ quyền của thanh niên trong Hiến pháp năm 2013. Ông Phương cho rằng, đó là quyền của thanh niên trong việc tham gia quản lý nhà nước, giám sát, phản biện xã hội; các quyền chính trị và nhân thân cơ bản như bầu cử, ứng cử do luật định, quyền tiếp cận thông tin, quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm. “Thực tiễn cho thấy, các sự việc diễn ra trong xã hội gần đây như hành vi lệch chuẩn của thanh niên trên mạng xã hội hay sự việc gây phản ứng trái chiều như một học sinh ở TPHCM bị nhà trường cho phát tán video clip trên mạng phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì có hành vi không đúng đắn, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc đều liên quan đến các quyền cơ bản của thanh niên. Do đó, việc sửa đổi luật vừa phải bảo đảm quyền cơ bản vừa phải có tính định hướng, tuyên truyền giáo dục kịp thời cho thanh niên” - ông Phương cho hay.
Đi thẳng vào thực tế, đừng hô khẩu hiệu!
Từng trải qua cương vị Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương, hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ĐB Phạm Xuân Thăng cho rằng: Quan điểm sửa luật lần này là phải đi từ những vấn đề thực tiễn đang và sẽ đặt ra với thanh niên chứ không thể tiếp tục chung chung, hô khẩu hiệu, nếu như chưa thực sự chín muồi thì chưa thông qua luật để tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện. Đơn cử như quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước mỗi năm một lần phải tổ chức đối thoại với thanh niên” là không tưởng, thiếu thực tế bởi hiện nay Chủ tịch xã, huyện đối thoại với thanh niên cũng không giải quyết được vấn đề gì, vì hoàn toàn không có nguồn lực, đối thoại xong chỉ để đấy. Trong khi đó từng là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, ông Vũ Trọng Kim cho rằng: Cần quy định quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên vào 3 nhóm: giáo dục - đào tạo; lao động, việc làm, nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng và quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Xin được nhắc lại rằng, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập. Cũng chính vì lẽ đó, khi thẩm tra dự án luật trên, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: Dự thảo luật cần tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.