'Má Mười Thiện Duyên' vùng 'đất thép'
Mái ấm Thiện Duyên tọa lạc tại địa chỉ 73 Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM được xây dựng bởi tấm lòng yêu thương người vô bờ bến của má Mười, người đang nuôi dưỡng và cưu mang những mảnh đời bất hạnh, trẻ mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn, không nơi nương tựa.
Má Mười với mái ấm Thiện Duyên.
Má Mười có tên đầy đủ Trần Thị Cẩm Giang (sinh năm 1938), vốn là con của đất thép Củ Chi nên từ năm 14 tuổi đã sớm đi theo Cách mạng. Sau ngày miền Nam giải phóng, má từng được bầu làm Chủ tịch UBND phường 23 (nay là phường 10) quận Tân Bình trong suốt 2 nhiệm kỳ, đến năm 2000 má mới về nghỉ hưu với chế dộ thương binh 4/4.
Má Mười kể: “Ở mảnh đất Củ Chi đầy bom đạn, gia đình má đã từng được nhiều người giúp đỡ, cho cơm ăn, áo mặc. Sau ngày giải phóng 30/4/1975, nhiều gia đình từng giúp đỡ mình lâm vào cảnh khó khăn, con cái họ bị bệnh tật không tiền chữa trị, vì vậy má nhận nuôi giúp. Ban đầu, má chỉ nhận nuôi 3 con của những đồng đội cũ, nghĩ rằng sau này gia đình họ khá hơn lên chắc sẽ trả lại con. Nhưng về sau số lượng trẻ người ta lén mang đến trước nhà hoặc má tình cờ nhìn thấy ngoài đường đem về nuôi ngày càng nhiều, thế nên năm 1988 má quyết định bán căn nhà ở Tân Bình do Nhà nước cấp để về Củ Chi xây dựng mái ấm này trên phần đất ông bà. Mái ấm có tên Thiện Duyên với ý nghĩa “có duyên làm việc thiện”.
Cứ người này chỉ người kia, người này giới thiệu người nọ, vậy là nhiều gia đình ở khắp mọi nơi có con em bị tật nguyền bẩm sinh, chủ yếu là do di chứng chất độc da cam, hoặc gia cảnh quá nghèo khổ khó khăn tìm đến gửi con để nhờ mái ấm “nuôi giúp”, từ 3 đứa ban đầu, số lượng “thi nhau” gia tăng đến 10, 20 rồi 100, 200 trẻ. Thậm chí lúc cao điểm mái ấm Thiện Duyên có đến hơn 120 trẻ sống trong sự chăm dưỡng của má Mười cùng nhiều tấm lòng thơm thảo bà con xa gần. Trẻ đông, dĩ nhiên chi phí tăng đột biến, má Mười có lúc sáng sáng phải nấu nồi hủ tiếu bán thêm, rồi nhận cả vé số, bánh tráng, hoặc khi thì làm tương chao, muối ớt… bán để kiếm tiền dùng cho mái ấm. Một số em nhỏ ở mái ấm còn đính cả những hạt cườm vào móc khóa, bình hoa để bán cho khách, công việc mang lại chút tiền lời để thêm vào cho má trang trải sinh hoạt phí của hơn trăm con người.
Hiện mái ấm Thiện Duyên được chia thành những khu vực riêng, phù hợp với từng nhóm như: Trẻ bình thường, trẻ mắc bệnh nhẹ, trẻ bị bại não, trẻ bị động kinh, trẻ sơ sinh và phòng chăm sóc đặc biệt. Trẻ đến với mái ấm nếu chưa có tên sẽ theo họ Trần của má, tên đệm là Thiện (đối với con trai) hoặc Duyên (con gái). Riêng những người già đến với mái ấm cũng như tìm được nơi nương tựa lúc cuối đời. Qua hơn 30 năm, có những “đứa trẻ” năm xưa nay đã xin được việc làm, người thì lập gia đình, nhưng cũng có những người bệnh tật, già yếu mà chết. Một tay má Mười lo chu đáo từ nhà ở cho những người lấy vợ lấy chồng, hay lo hậu sự cho những người đã mất.
Năm nay đã 81 tuổi, song má Mười vẫn ngày ngày tất bật với “đàn con nhỏ”. Nói chuyện có mong ước gì cho ngày mai, má Mười thẳng thắn chia sẻ: “Má chẳng cầu mong gì cho bản thân, chỉ ước mong tìm được người nào đó có đủ tâm đức để tiếp tục công việc của mình. Má cũng mong mỏi đến cháy bỏng, rằng những người được gọi là đấng sinh thành đừng bao giờ đoạn đành mang con đi vứt bỏ. Bởi làm như vậy, các bà mẹ có biết đâu tự mình đã gieo vào lòng đứa trẻ nỗi đớn đau, oán hờn chẳng thể nào gột rửa. Nhiều đứa con của mái ấm Thiện Duyên lớn lên trong nỗi mặc cảm, có em tự sống cô lập, tự hành hạ cuộc đời mình. Những nỗi đau chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt”.