Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để giữ kỷ cương
Những vụ việc “nóng” xảy ra trong thời gian qua như ô nhiễm nguồn nước sông Đà tại Hà Nội, vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy xảy ra tại các khu chung cư cao tầng, cát tặc đào bới lòng sông gây sạt lở… khiến người dân lo lắng. Dù đã xác định trách nhiệm của người đứng đầu nhưng việc xử lý chưa tương xứng. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Ông Phạm Văn Hòa.
PV: Thưa ông, dù chúng ta đã quy trách nhiệm của người đứng đầu nhưng khi xảy ra các vụ việc “nóng” song dư luận và nhân dân cho rằng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm. Cá nhân ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Phạm Văn Hòa: Trên nhiều lĩnh vực đã có những quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; đó là, phát hiện đến đâu phải xử lý đến đó, không loại trừ người đó là ai như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước từng chỉ đạo. Tuy nhiên trong thời gian qua, chúng ta xử lý trách nhiệm đối với một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn nhẹ, chưa tương xứng với vi phạm.
Tôi cho rằng, đã có quy định thì cần xử lý nghiêm. Để đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe và nghiêm minh của pháp luật, Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, hay Chính phủ cũng đã yêu cầu tổ chức thực hiện “đến nơi đến chốn”, tổ chức thực hiện cho bằng được. Việc xử lý không phải thù ghét, mà xử lý để thể hiện tinh thần trách nhiệm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, để kỷ cương được chấp hành cho tốt.
Trong công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng, đã có nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng hiện nay việc xử lý người đứng đầu còn chưa tương xứng, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Cái này tùy từng nơi, từng lúc, từng điều kiện hoàn cảnh và vi phạm của mỗi cơ quan, đơn vị trong xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Thời gian qua đã có xử lý, nhưng xử lý chưa nghiêm minh để phòng ngừa, răn đe và việc xử lý người đứng đầu chưa nhiều. Khi cán bộ công chức, viên chức cấp dưới để xảy ra tham nhũng, lãng phí thì phải cương quyết xử lý người đứng đầu. Như Luật Phòng chống tham nhũng đã chỉ ra rất cụ thể đó là quy trách nhiệm người đứng đầu khi đơn vị, cơ quan và cá nhân thuộc quyền của mình vi phạm về tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới. Luật đã có hiệu lực rồi, giờ cần căn cứ vào luật để thực hiện nghiêm minh.
Pháp luật của chúng ta không thiếu, ban hành nhiều luật, quy định nhưng tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn nên xảy ra nhờn luật, thưa ông?
Vấn đề nhờn luật là điều phải xem xét lại, nhất là vấn đề được đặt ra: Tại sao luật ban hành rồi mà người chấp hành không nghiêm, ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn chậm, khiến quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn? Khi luật có rồi nhưng tổ chức thực hiện lại chưa đúng quy định của luật, thực hiện còn mang tính hình thức, thậm chí nể nang trong xử lý. Điều đó dẫn đến việc người dân thấy có luật mà nhờn luật. Tôi nghĩ với sự quyết tâm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tới đây sẽ hạn chế tình trạng nhờn luật.
Vấn đề văn hóa từ chức lâu nay đã được nhắc đến nhưng đến nay việc luật hóa quá chậm, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Để giữ nghiêm phép nước đã có nhiều quy định, văn bản, từ chỉ thị, nghị quyết của các cơ quan hành pháp, lập pháp, thậm chí có văn bản của Đảng. Nhưng từ chức là phạm trù văn hóa, là vấn đề tế nhị, nhân văn và do mỗi con người có suy nghĩ, nhận thức có nên từ chức hay không đó mới là điều quan trọng. Từ chức là sự tự giác, còn việc buộc phải từ chức là do cơ quan cấp trên buộc anh phải tuân theo do bị cách chức, kỷ luật. Do đó bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý, nếu thấy trong quá trình tổ chức nhiệm vụ của mình không còn đảm đương được nhiệm vụ thì nên chủ động xin từ chức.
Ông có cho rằng khi thấy cán bộ của mình yếu kém trong công tác quản lý, tổ chức Đảng nơi đó nên gợi ý để người đó chủ động xin từ chức?
Khi cán bộ có vi phạm, Đảng sẽ yêu cầu kỷ luật cán bộ, rồi chính quyền kỷ luật với các hình thức tương ứng. Tổ chức Đảng sẽ xem xét tùy theo mỗi trường hợp để bố trí cho tiếp tục ở vị trí đó hay chuyển sang nhiệm vụ khác vì công tác cán bộ là việc của Đảng. Nhưng ở trên cương vị của mình mỗi người lãnh đạo cần nhận thức, ý thức về việc làm của mình, nếu thấy không đảm đương được nhiệm vụ thì nên chủ động xin thôi.
Trân trọng cảm ơn ông!