Âm vang tiếng trống Bình An

Trường Giang 22/11/2019 08:00

Gần 200 năm qua, tiếng trống Bình An đã vang vọng trong những sinh hoạt lễ hội khắp miền Nam, miền Trung, theo các đoàn lân sư rồng đi khắp thôn làng ngõ xóm, lưu giữ những âm thanh rất riêng cho nhiều sinh hoạt quan, hôn, tang, tế, đình đám… Ngày nay, tiếng trống Bình An vẫn vang vọng khắp muôn nơi, ra cả trời Tây.

Âm vang tiếng trống Bình An

Nghề làm trống ở Bình An đã có từ hơn 200 năm trước.

Bí quyết riêng

Làng nghề truyền thống Bình An thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An được xem là làng làm trống lâu đời và nổi tiếng nhất ở miền Nam. Theo các nghệ nhân lớn tuổi, nghề làm trống ở Bình An được khởi xướng bởi cụ Nguyễn Văn Ty, cách đây gần 200 năm. Thời đó, cụ Ty theo nghiệp thương hồ đi buôn bán trên sông nước rồi may mắn được một người ở Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang) truyền cho nghề bịt trống. Sau những năm tháng miệt mài học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, những chiếc trống cụ Ty làm ra dần dần tiếng kêu vang vọng và thanh âm trong trẻo.

Sau khi học được nghề, cụ trở về vùng đất Bình An để làm và truyền nghề lại cho con cháu đời sau. Con cháu cụ Ty những thế hệ sau không chỉ giữ được nghề mà còn phát triển lên trình độ cao, đưa thương hiệu trống Bình An nổi tiếng khắp nơi. Từ những năm 1950 của thế kỷ trước, trống Bình An đã nổi tiếng khắp miền Nam, miền Trung, lan ra cả miền Bắc và các nước lân cận.

Ở Bình An, những nghệ nhân làm ra rất nhiều loại trống, từ trống đại đến trống cái, từ trống nhạc, trống lễ, trống chùa đến trống lân, trống trường. Tất cả đều là những loại trống đặc sắc với thân gỗ phẳng lì, nhẵn bóng, bằng mắt thường không thể nhìn thấy các đường ghép của từng miếng ván. Âm thanh của trống Bình An là điều không thể bàn cãi, lúc trầm lúc bổng, thanh âm vang vọng nhưng rất trong trẻo.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mến (Năm Mến), người làm trống nổi tiếng ở Bình An, cho biết: Danh tiếng trống Bình An có được là nhờ những bí quyết riêng mà không phải người làm trống ở nơi nào cũng có được. Để có được tiếng trống ấm, vang xa, dùng được bền, tất cả đều phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản, đó là da trâu bịt trống và gỗ làm thân trống.

Để cho ra lò một sản phẩm, người thợ phải trải qua gần 20 công đoạn phức tạp và công phu, từ chuyện xử lý và căng da trâu, phơi gỗ, đốt than để uốn cong thành gỗ, đẽo chuốt dăm trống, đến ghép từng thanh gỗ thành thùng trống, đóng mây. Da dùng căng mặt trống, người làng Bình An chỉ sử dụng da trâu tươi của những con trâu có tuổi trên mười năm vừa lấy ra từ lò mổ, tuyệt đối không dùng da trâu đã qua xử lý. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng nghề.

Giữ mãi lửa nghề

Hơn 50 năm theo nghiệp làm trống, nghệ nhân Năm Mến đã miệt mài phát huy kỹ thuật truyền thống của gia đình, đồng thời dày công nghiên cứu để tạo ra những chiếc trống có âm thanh ngày càng hay hơn, phù hợp với từng nhu cầu cụ thể. Những chiếc trống chùa, trống lân, trống nhạc lễ… mang thương hiệu Năm Mến nổi tiếng khắp gần xa. Hầu hết các đình, chùa, trường học và các đoàn lân lớn ở miền Nam đều sử dụng trống của làng nghề Bình An, trong đó có cơ sở làm trống của ông Mến. Thậm chí, nhiều người còn tìm về đặt trống để mang ra các nước như Mỹ, Canada, Singapore, châu Âu...

Ở Bình An ngày nay không chỉ có ông Năm Mến, mà còn nhiều nghệ nhân làm trống nổi tiếng được nhiều người biết đến như ông Út Lương, ông Nguyễn Văn Ba… Cả làng có khoảng 20 cơ sở làm trống với quy mô hộ gia đình, tất cả đều là con cháu của cụ Nguyễn Văn Ty, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước hơn 1.000 chiếc trống đủ các thể loại.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ba, người làm nghề trống hơn 40 năm chia sẻ, ngày nay, nhiều nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do nhu cầu thị trường hạn chế. Nhưng nghề làm trống vẫn còn nhiều đất sống do nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống ngày càng phát triển. Người làm trống vẫn có thu nhập khá từ nghề, đủ để nuôi sống gia đình và cho con cái học hành.

Tuy nhiên, nghề này đỏi hỏi người làm phải thật sự chăm chỉ, khéo léo tiếp thu bí quyết làm nghề và chịu khó học hỏi, sáng tạo để làm ra những chiếc trống độc đáo. Sản phẩm làm ra phải được xem như đứa con tinh thần của mình. Tiếp nối truyền thống cha ông, những người trẻ ở Bình An vẫn đang phấn đấu từng ngày, trở thành người thợ giỏi để giữ gìn và phát huy thương hiệu trống Bình An với tâm niệm không để cho nó mai một.

Hơn 50 năm làm nghề, giờ đây ông Năm Mến đã lui về nghỉ ngơi. Người nối nghiệp ông là người con trai Nguyễn Văn An (Tư An) đã trở thành người thợ giỏi được nhiều người biết đến. Cơ sở làm trống của cha con ông Năm Mến - Tư An là cơ sở lớn nhất ở Bình An, mỗi năm cho ra lò hàng trăm chiếc trống lớn nhỏ đủ các thể loại, trong đó, có những chiếc trống lớn được đặt cho các sự kiện quy mô với chiều dài thân gần 3m, đường kính 1,5m.

Anh An cho biết, nghề làm trống vất vả, phải có tình yêu và sự đam mê mới làm được. Tuy nhiên, đây không phải là nghề bạc, nếu mình biết yêu nghề, những giá trị mang lại là không hề nhỏ. Ngoài danh tiếng được biết đến, mỗi năm nếu chịu khó có thể kiếm khoản thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí, sinh hoạt gia đình.

Trải qua gần 200 năm với 5 đời, nghề làm trống ở Bình An vẫn đang được giữ vững và phát huy khá tốt. Những chiếc trống do các nghệ nhân làm ra được sử dụng từ trong Nam ra ngoài Bắc, thậm chí có mặt ở nhiều nước trên thế giới…

Trường Giang