Quảng Nam: Những cô giáo ‘thầm lặng’ dạy trẻ em khuyết tật

Tấn Thành - Chí Đại 19/11/2019 14:56

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi đã đến thăm cơ sở phục hồi chức năng (PHCN) huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam để cảm nhận được tình yêu thương, mến trẻ và tận tâm với nghề của các cô giáo nơi đây.

Quảng Nam: Những cô giáo ‘thầm lặng’ dạy trẻ em khuyết tật

Cô Phạm Thị Kim Dung (áo trắng) tận tình chăm sóc các em khuyết tật.

Theo đó, cơ sở PHCN huyện Phú Ninh có 45 trẻ em khuyết tật (trong đó, bị bại não, khuyết tật;…) và 15 cháu bị khiếm thính… Dạy các cháu tập trị liệu và chăm sóc cho các em ở đây, nếu không có tình yêu thương, tâm huyết với nghề khó có thể làm được.

“Những ngày như 20-11, các giáo viên như tôi ở cơ sở PHCN huyện Phú Ninh, chưa bao giờ nhận được một bó hoa của các cháu trẻ em khuyết tật. Tuy có phần tủi thân so với các thầy, cô giáo dạy ở các trường Tiểu học, THCS;... nhưng tôi và các cô trong cơ sở vẫn động viên với nhau để giúp cho các em khuyết tật tập trị liệu thường xuyên để sớm phục hồi sức khỏe. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi và các cô giáo ở cơ sở này mỗi ngày được thấy các em bại não, khuyết tật có thể cử động chân, tay và đi lại được”, cô Phạm Thị Kim Dung, chuyên viên điều trị ở cơ sở nói.

Theo cô Dung, lúc mới bắt đầu vào dạy trẻ em khuyết tật ở cơ sở này gặp nhiều khó khăn, thứ nhất về thiết bị phục vụ việc tập trị liệu và dạy học cho các cháu còn thiếu. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống, tiền lương của các cô phụ thuộc vào các mạnh tường quân, các đơn vị tài trợ.

“Lúc mới vào dạy ở cơ sở này, tôi chỉ nhận được khoảng 750.000 đồng/1 tháng, vì thế không đủ tiền phụ giúp chồng lo các con cái ăn học. Nhưng được sự động viên của chồng, các con cái và cộng với lòng thương yêu các trẻ em nơi đây, coi các em giống như các con ruột của mình vậy nên tôi cứ miệt mài theo đuổi công việc này. Ngoài ra, những lúc tập trị liệu xong, tôi thường đem bảng chữ cái để bày cho các cháu làm quen với con chữ hoặc tập đánh vần từng con chữ một”, cô Dung tâm sự.

Cô Lê Thị Lý, (là người có 10 năm kinh nghiệm chăm sóc, trị liệu cho các trẻ em khuyết tật ở cơ sở trên) nói, mỗi ngày làm việc cô bắt đầu từ khoảng 7h sáng. Khác với nhiều lớp học thông thường, vì lớp cô chủ yếu là các em bị liệt toàn thân hoặc nửa người và bại não, khiếm thính nên rất khó khăn. Do đó, hằng ngày cô phân công chia từng nhóm trẻ khuyết tật rồi thực hiện các bài tập. Nhóm thì tập đi, nhóm khác tập lăn, ngồi.

Quảng Nam: Những cô giáo ‘thầm lặng’ dạy trẻ em khuyết tật - 1

Cô Lê Thị Lý (áo xanh) đã 10 gắn bó với các em khuyết tật tại cơ sở.

“Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là cháu Hà Công Nguyên Khang, trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, là một trong những điều kỳ diệu ở cơ sở PHCN huyện Phú Ninh. Vào năm 2010, cháu Khang được ba, mẹ đưa vào cơ sở với chứng não úng thủy, hoàn toàn mất khả năng vận động. Thế nhưng sau khoảng vài tháng thường xuyên tập luyện, cháu tự mình tựa vào ghế đứng lên và chập chững từng bước đi. Lúc đó, tôi và các cô trong cơ sở vỡ òa niềm vui hạnh phúc. Vì mọi người đều nghĩ em không có thể làm được điều đó. Hiện nay, Khang đã đi học và sức khỏe dần ổn định hơn”, cô Lý chia sẻ.

Cô Phạm Thị Kim Dung cho hay, các cháu khuyết tật ở đây đa số có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cháu một độ tuổi khác, bệnh lý khác nhau và mức độ tiến triển khác nhau. Do đó, các cô trong cơ sở không những được tập huấn trong các lớp học chuyên môn mà còn phải tự tìm tòi, học hỏi các kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa trị liệu. Nhằm nâng cao tay nghề để áp dụng tập trị liệu cho các cháu khuyết tật, với mong muốn giúp cho các em khuyết tật sớm hồi phục chức năng cử động chân, tay, đi lại được và biết đọc, viết chữ.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thung, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Ninh cho biết: “Hiện cơ sở PHCN huyện Phú Ninh nhận chăm sóc khoảng hơn 50 trẻ khuyết tật và khiếm thính, các trẻ em khuyết tật được các cô giáo tận tình hướng dẫn, dạy tập luyện thường xuyên ở đây. Cơ sở này, còn chật hẹp, thiếu thốn nhiều về vật chất và đồ dùng tập luyện. Qua đó, tôi rất mong các mạnh thường quân chung tay góp sức để các trẻ em khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, hoàn nhập với cộng đồng xã hội”.

Nghe các cô ở cơ sở PHCN huyện Phú Ninh kể chuyện, mới thấy rằng, những công việc “thầm lặng” hằng ngày của các cô giúp cho các trẻ em khuyết tật thật đáng quý trọng.

Tấn Thành - Chí Đại