Cần quy trách nhiệm của giám định viên

M.Loan-H.Vũ 20/11/2019 06:55

Chiều 19/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Cần sự khách quan, công tâm

Liên quan đến Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), công tác giám định trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Như vụ Nguyễn Hữu Linh -nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng xâm hại bé gái trong thang máy vẫn tranh cãi xung quanh vấn đề “tay trái, tay phải”, trong khi đây là vấn đề hết sức quan trọng xác định có dâm ô hay không để xử lý trách nhiệm hình sự.

Ông Hòa cũng cho rằng, đang có việc làm hồ sơ giả tạo bị tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Do đó Luật lần này sửa đổi phải nâng cao chất lượng giám định, khách quan, công tâm. Nhất là giám định trong các vụ án tham nhũng. Cần quy trách nhiệm của cơ quan giám định và người ký ban hành kết luận giám định, đặc biệt là các giám định viên là người điều khiển máy móc”-ông Hòa cho hay.

Đưa ra thực tế trong các vụ án hiếp dâm hay giao cấu với trẻ em việc xác định tội danh khó khăn do các cơ quan chức năng đưa đi giám định quá muộn, ông Hòa cho rằng, vụ việc xảy ra nhưng sau 7 ngày, hay 1 tháng mới cho đi giám định lúc đó sẽ không còn dấu vết nữa và đây đang là kẽ hở về pháp lý chưa xử lý được. Vì vậy cần quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp để đẩy nhanh quá trình đưa bị hại đi giám định.

Nên bổ nhiệm người có uy tín làm hòa giải viên

Cho ý kiến về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho rằng, hòa giải đối thoại tại tòa án là chế định pháp lý mới có vai trò rất quan trọng, vì vậy việc ban hành Luật là sự cần thiết trong xã hội hiện nay. Theo ông Hòa, đây là luật mới nhưng đạt được sự tán thành rất cao, ngay như cơ quan thẩm tra nhận thấy đây là Luật được chuẩn bị rất kỹ, so sánh nhiều quy định nhưng không bác bỏ quy định nào và đồng thuận cao. Việc dân sự cốt ở đôi bên cho nên chưa quy định thu phí hòa giải mà Nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải là hoàn toàn phù hợp.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, theo ông Hòa đội ngũ hòa giải viên cấp cơ sở là những người gắn bó với nhân dân, là các nhà khoa học, người công tác trong lĩnh vực tư pháp đã nghỉ hưu, nhất ở vùng đồng bào dân tộc thì phải là người có uy tín được người dân tin tưởng, nếu trình độ dù có là giáo sư nhưng không có uy tín sẽ rất khó khăn trong hòa giải. Do đó đội ngũ hòa giải viên ngoài là những người công tác trong lĩnh vực tư pháp đã nghỉ hưu thì nên quan tâm tới những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Đưa ra thực tế xử lý án dân sự và hành chính khó đạt kết quả ở khâu sơ thẩm mà kháng án, nhiều khi xử giám đốc thẩm rồi vẫn tiếp tục khiếu kiện, có vụ việc dài hơn 10 năm không giải quyết được, gây tốn kém, theo ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nếu ban hành luật sẽ góp phần xử lý các tranh chấp, không đồng thuận trong xã hội liên quan đến vấn đề dân sự và hành chính. Về bổ nhiệm hòa giải viên, ông Tùng cũng cho rằng, ngoài những người đã từng làm việc trong các cơ quan tư pháp đã nghỉ hưu thì cần bổ nhiệm những chuyên gia trong từng lĩnh vực, người có uy tín, từng công tác dân vận vì chỉ 1 câu nói của người có uy tín, hai bên đương sự sẽ có cách nhìn khác hẳn về vụ việc đi, đến hòa giải. Cho nên cần bổ nhiệm những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng làm hòa giải viên.

M.Loan-H.Vũ