Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng dân số cơ học. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở xã hội được đặt ra đầy bức thiết. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thành phố có hơn 8,9 triệu người, nhưng dân số thực tế lên đến khoảng 13 triệu người.
Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp thành phố kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng. Đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội. Song, vấn đề nhà ở vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Nhiều địa phương thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.
Dù có nhiều cá nhân, đơn vị tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhưng vấn đề nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại TPHCM vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, thành phố vẫn trong tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội.
Nhiều người dân có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Thế nhưng, theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã đề ra.
Hiện nhiều địa phương đang trong tình trạng thiếu nhà ở xã hội trầm trọng. Đơn cử, tại TPHCM, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thành phố có hơn 8,9 triệu người. Nhưng dân số thực tế lên đến khoảng 13 triệu người. Đáng chú ý, bình quân cứ 5 năm tăng thêm khoảng 1 triệu người. Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp thành phố kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng. Đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội, song, vấn đề nhà ở vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện khảo sát nhà ở đối với cán bộ công chức, lao động trong khu công nghiệp. Kết quả cho thấy, 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Hầu hết các nhóm đối tượng đều có xu hướng chọn phương thức thuê, mua nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%. “Vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TPHCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị như: Cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Mong muốn giải quyết vấn đề này, TPHCM triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Dự kiến, đến năm 2020 có thể hoàn thành 20.000 căn. Thế nhưng trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Vướng rào cản về vốn, quỹ đất
Mặc dù thành phố nỗ lực thực hiện nhà ở xã hội, tuy nhiên theo HoREA, chính sách về nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Điểm nghẽn lớn nhất là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách (làm vốn mồi) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Ngoài khó khăn về vốn đầu tư, nhà ở xã hội chậm phát triển vì bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã quy định cơ chế tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhưng trên thực tế, cơ chế này chưa được thực thi hiệu quả.
Trong khi chờ đợi Chính phủ và địa phương tháo gỡ rào cản phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA kiến nghị, cho doanh nghiệp đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng nhằm tạo nâng cấp chất lượng và dịch vụ phòng trọ, nhà trọ hiện nay. Trước đó, HoREA cũng kiến nghị vấn đề này nhưng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản không đồng ý cho phép doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2. Ông Châu cho rằng, nhiều hộ gia đình và cá nhân giải quyết 80% nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp bằng hình thức nhà trọ, nhưng các phòng trọ này thường không đảm bảo chất lượng sống.