80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến

H.Vũ 22/11/2019 06:00

Ngày 21/11, Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc “đổi vai” khi vấn đề trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến

ĐBQH phát biểu tại Hội trường ngày 21/11. (Ảnh: Quang Vinh).

Có tình trạng lãnh đạo bộ gây sức ép với ĐBQH

Cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm xoay quanh trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Theo đó, phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Còn phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Trước vấn đề trên, nhiều ĐB đã bày tỏ băn khoăn về việc “đổi vai” đó là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, việc đổi vai không phải là vấn đề mới, trước đây Chính phủ đã từng đề xuất nhưng Quốc hội đã không đồng tình với quyết định trên. Nếu cơ quan trình sau đó lại vào vai chủ thể thẩm định và báo cáo trước Quốc hội sẽ không ổn, sẽ khó tròn vai vì bảo vệ chính sách của mình trước Quốc hội là vấn đề không hề đơn giản vì có rất nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉ đóng vai phản biện và chỉnh lý dự thảo dựa trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, nếu đổi vai khi chủ thể là Chính phủ giải trình trước Quốc hội không phải là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là khi giải trình ý kiến của ĐBQH. Như vậy sẽ không thoả đáng do đó không nên đổi vai. Về lâu dài theo bà Hoa, ngoài Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Quốc hội có thể tham khảo kinh nghiệm của Quốc hội một số nước đó là Quốc hội nên có cơ quan xây dựng pháp luật bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác lập pháp.

Là người tham gia chỉnh lý dự án luật từ đầu kỳ, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng bày tỏ băn khoăn về việc “đổi vai”. Ông Bộ nhìn nhận, bản chất của việc tiếp thu chỉnh lý luật là việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo luật. Trong trường hợp tiếp thu thì sửa dự thảo luật và thể hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua. Còn trong trường hợp không tiếp thu sẽ đề cập trong bản giải trình. “Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua có đến 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu. Khi đó ĐBQH sẽ trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có đồng ý bán hay không lại thuộc quyền của họ”-ông Bộ nói và nhắc lại một điều đáng buồn khi có vị lãnh đạo bộ gây sức ép với ĐBQH khi ĐBQH phát biểu trái với quan điểm của bộ, ngành mình. Nếu chọn phương án 1, Quốc hội sẽ bị mất quyền kiểm soát xây dựng luật.

Theo ông Bộ, luật bất cập, yếu kém do một số Ủy ban không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng. Khi ĐBQH phát hiện ra nhiều luật mà chất lượng không bảo đảm nhưng khi đề nghị dường như không nhận được sự ủng hộ. Do đó nên giữ nguyên như quy định hiện hành. “Hay như dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ luật, đến lúc trình ra Quốc hội thông qua luật thì dự thảo nghị định này lại hoàn toàn lạc hậu, do đó việc có dự thảo nghị định trong đó gần như là hình thức. Vì vậy trong hồ sơ dự thảo luật không nên có dự thảo nghị định đi kèm. Thay việc soạn thảo dự thảo nghị định đi kèm thì tập trung vào xây dựng dự án luật”-ông Bộ nói.

Đề nghị nên giữ nguyên như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, Hiến pháp đã quy định Quốc hội là cơ quan lập pháp thông qua luật và làm luật. Cho nên cần giữ nguyên như quy định hiện hành. Ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng có nêu từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì đã có 49 luật, 1 nghị quyết và nhiều luật được ban hành ngày càng có chất lượng cao hơn. Do đó nên chăng cần tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan trình và thẩm tra, nâng cao việc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH góp ý cho dự án luật.

Đề nghị nâng tuổi thanh niên lên 35 tuổi

Chiều cùng ngày, cho ý kiến về Dự án Luật Thanh niên sửa đổi, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, Dự thảo luật còn mang nặng tính hiệu triệu hô hào, khi 25 lần trong luật nhắc đến “tạo điều kiện”, 20 lần ghi “khuyến khích” nhưng không rõ tạo điều kiện như thế nào, khuyến khích ra sao? Do đó Luật cần cụ thể để đi vào thực tiễn, đời sống thanh niên. Bà Dung cũng đề nghị kéo dài tuổi thanh niên lên 35 tuổi thay vì quy định như trong Dự thảo luật là 30 tuổi. Bởi Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi đã nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, còn nữ lên 60. Do đó việc nâng tuổi thanh niên là hợp lý, hay nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định tuổi thanh niên là 40 tuổi như Singapore hay Brunei.

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) quyền nghĩa vụ của thanh niên đang chồng chéo với Bộ luật Lao động sửa đổi, do đó cần xem xét lại chỉnh sửa để tránh sự chồng chéo. Bên cạnh đó, chính sách đối với thanh niên có tài năng trong Dự thảo luật đã liệt kê nhiều tiêu chí nhưng thiếu tiêu chí về thanh niên có năng lực vượt trội trong lĩnh vực thể thao, sáng tạo văn học, nghệ thuật vì vậy cần bổ sung liệt kê các đối tượng trên vào tiêu chí.

Bà Nga cũng cho rằng, việc quy định thanh niên mang chức danh hàm PGS là không hợp lý vì để có học vị Tiến sĩ cũng là 28 tuổi, mất 3 năm sau mới được phong PGS, nghĩa là 31 tuổi mới được lấy bằng PGS, hiện PGS trẻ nhất hiện nay được phong là 32 tuổi, do đó việc quy định thanh niên đạt học hàm PGS là không khả thi.

Chiều cùng ngày với 91,51% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thư viện.

H.Vũ