Giọng ca vàng đến từ vùng đồi cọ
Mấy ai dám nghĩ cô thôn nữ mới học mới hết lớp 7 (cấp 2 cũ) trốn nhà đi bộ đội, chẳng bao lâu sau trở thành ca sĩ nổi tiếng, thành Nghệ sĩ Ưu tú, rồi thành thạc sĩ - giảng viên đại học…
Dạo những năm 1975-1976, đội chiếu phim lưu động của chúng tôi mỗi lần đi phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương đều chiếu “mở màn” bộ phim tài liệu “Hội diễn Toàn quân năm 1974”. Bộ đội thích xem, bà con cũng rất thích xem bởi những người chiến sĩ của chúng ta đàn hay hát giỏi và đều còn rất trẻ. Trong số những tiết mục xuất sắc và “rất lính” ấy mọi người lại ấn tượng với tiết mục do một “thím” bộ đội trẻ măng của Đoàn nghệ thuật Tăng thiết giáp trình bầy qua bài hát “Đón anh bên tháp pháo xe tăng”. Và chính bài hát đó đã đưa cô lính thợ tên là Ma Thị Bích Việt vinh dự nhận Huy chương Vàng trong Hội diễn Toàn quân năm 1974.
Gặp NSƯT Bích Việt trong căn phòng nhỏ 25m2 giữa khu tập thể 28B Điện Biên, Hà Nội vẫn thấy chị trẻ trung và sôi nổi như hồi 45 năm trước. Thấy tôi nhắc lại thời kỳ từ giữa những năm 1970 tới cuối những năm 1980, NSƯT Bích Việt cười rất vui, chị bảo “Người ta nói đấy là thời kỳ “vàng” của tôi”. Rồi chị im lặng, cái lặng im của sự hồi tưởng lại chặng đường ca hát của chính mình.
Còn nhớ, một ngày đầu tháng 6 năm 1972, cô gái Ma Thị Bích Việt vừa tròn 18 tuổi, sau khi dậy từ 4 giờ sáng để qua nhà hàng xóm mượn xoong nồi bát đĩa về làm đám cưới cho người anh trai là bộ đội về phép cưới vợ, thì “ngấm ngầm” chạy bộ từ nhà lên thị trấn Lâm Thao khám tuyển bộ đội. Cô đứng núp sau những người dự khám và chờ đợi người ta gọi tên mình. Mãi tới gần trưa thì tên cô mới được xướng, Bích Việt bước vào, thấy cô bé nhỏ (vóc dáng ấy chẳng cần cân đo cũng biết là không đủ tiêu chuẩn) nhưng có gương mặt lanh lợi, người cán bộ tuyển quân, mà đến tận giờ Bích Việt vẫn thân mật gọi là “chú Kiên”, bèn tới bên và hỏi kiểu động viên: “Cháu có biết hát không?”. Những tưởng cô gái quê sẽ khóc òa và bỏ chạy, ai dè cô lại ngẩng cao mặt: “Dạ. Cháu biết hát ạ”. Và rồi cô đĩnh đạc cất giọng hát “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người mà em yêu”. Giọng hát cao và trong trẻo đã khiến “chú Kiên” gật đầu và nói: “Được. Hát hay lắm. Tuyển vào Đội Tuyên văn”.
Bích Việt được về Đội Tuyên văn Binh chủng Tăng thiết giáp thật, nhưng dù gì cô vẫn phải “làm lính”, nghĩa là cô được biên chế về C11 thuộc Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Đó là một đơn vị có nhiệm vụ đào tạo nên những người thợ sửa chữa xe tăng. Bích Việt được học sửa chữa máy bộ đàm xe tăng T54. Vừa học làm thợ vừa tham gia văn nghệ. Sau một thời gian ngắn tập trung đi biểu diễn thì đội lại giải tán. Bích Việt về lại C11 và lần này cô học nghề tiện. Đúng 2 năm như thế thì Hội diễn Toàn quân khai mạc, cô thợ trẻ Bích Việt được Binh chủng tuyển chọn đi dự hội diễn. Hội diễn kết thúc cũng là lúc cuộc đời của Bích Việt rẽ sang hướng khác, cô chính thức được “lệnh” về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị ngay lập tức (chắc sợ cô về lại đơn vị cũ thì Binh chủng không chịu “nhả” người?). Đây cũng là thời điểm cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định nên việc biểu diễn ca nhạc cổ vũ bộ đội và nhân dân các vùng mới giải phóng cũng là một yêu cầu bức thiết. Bích Việt về đoàn là bắt tay ngay vào vừa luyện tập vừa đi biểu diễn.
Sinh ra ở quê ngoại, làng Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, tuổi thơ của Bích Việt gắn với những thửa ruộng ngát xanh cùng những đồi cọ trùm che bóng mát. Sự yên ả nhường ấy cùng những câu hát xoan, những câu hát chèo mà cô nghe được từ bà ngoại, từ mẹ và từ những người bà con trong xóm đã sớm gieo vào lòng cô những dư âm khó dứt. Học hết lớp 7 thì Bích Việt nghỉ học. Chả là cô Nguyễn Thị Thỏa con cụ Bá Ổn vì thương 5 đứa trẻ mồ côi mẹ mà nhận lời làm mẹ kế để cho cha chúng là ông Ma Văn Thực vững tâm đi kháng chiến. Cô Thỏa, cán bộ phụ nữ xã Sơn Vi vừa lo công tác phụ vận vừa đảm việc nhà. Cô Thỏa cũng sinh thêm 5 người con nữa. Một gia đình đông con như thế trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất như thế thì việc Bích Việt là con gái lớn của mẹ Thỏa phải thôi học ở nhà giúp gia đình âu cũng là dĩ nhiên.
Nhân lúc NSƯT Bích Việt đang “mở lòng” tôi bèn hỏi thật: “Hoàn cảnh vậy thì chị học hát thế nào?”. NSƯT Bích Việt cười “Tôi học theo đài thôi”. Thì ra hồi đó cha chị, ông Ma Văn Thực là Phó ty Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phú, theo “tiêu chuẩn” ông được phân mua một chiếc đài bán dẫn hiệu Xiongmao. Mỗi khi cha về nhà là Bích Việt lại “mượn” cha chiếc đài để nghe hát và để học hát. Thời ấy trên Đài TNVN có mục dạy hát vào tầm cuối trưa nên Bích Việt mang đài ra góc vườn để học hát. Thích nghe hát, hay hát và say mê học hát đã tạo cho cô gái quê hồn nhiên những ước mơ “bay bổng”. Những buổi nghe hát và học hát kiểu “du kích” như thế có ai ngờ lại là những “bước đi” đầu tiên đưa Bích Việt tới con đường ca nhạc sau này.
Người Tày họ Ma ở Lâm Thao có từ rất lâu đời, theo cuốn “Ma tộc” mà ông Ma Văn Thực cất công lưu có ghi rằng “Đời Hùng Duệ Vương có một vị quan thần võ tướng tên là Ma Khê. Võ tướng Ma Khê lập được nhiều công tích nên được Hùng Duệ Vương sủng ái”. Hiện ngôi mộ tương truyền là mộ võ tướng Ma Khê đã được khai quật, điều đó chứng tỏ dòng họ Ma ở đây từ thời Vua Hùng là xác thực. Sau này, do nhiều chuyển dời mà người mang họ Ma phát tán đi các địa phương lân cận nhưng Ma Khê vẫn được suy tôn là vị Ma Tổ.
Làng Do Nghĩa có một quần thể đình chùa rất sum vầy cho thấy từ xa xưa nơi này đã là một địa danh văn hóa và kinh tế rất phát triển. Riêng ngôi đình làng Do Nghĩa đã khiến ai đến thăm cũng đều trầm trồ bởi những hàng cột đình rất to và rất cao. Tại sân đình Do Nghĩa những tối sáng trăng, những ngày sau thu hoạch là làng lại tổ chức diễn xướng. Đội văn nghệ của làng vang tiếng khắp vùng. Cô thôn nữ Bích Việt xong việc nhà là mê mải theo nghe rồi hăng hái tham gia hát diễn.
NSƯT Ma Thị Bích Việt còn cho biết “Từ đình Do Nghĩa đi qua cống Sủng là tới làng Nghìa cùng xã, ở bên đó có một chiếc giếng nước tự nhiên thông ra sông Hồng quanh năm không bao giờ cạn. Nước giếng Giá ngọt, trong và mát”. Truyền tích kể rằng: Có một cô công chúa con Vua Hùng một bữa đem đàn ra ngồi bên thành giếng để gẩy. Chẳng may công chúa tuột tay, cây đàn rơi xuống giếng. Từ đó giếng Giá trở nên linh. Nước đã ngọt càng thêm ngọt. Nước đã trong lại càng trong. Những ai uống nước giếng Giá đều có giọng nói hay, có bản tính yêu thương.
Tác giả chụp ảnh cùng ca sĩ Bích Việt.
Nghe chuyện xưa mà thấy hay hay: “Chắc chị được uống nước giếng Giá nên trời cho chị, đất làng cho chị một giọng hát vàng?”. NSƯT Bích Việt không phản đối nhưng chị nói thêm: “Với tôi còn là sự cầu tiến và được cống hiến”.
Năm 2000, khi 46 tuổi, Bích Việt về Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội để làm thầy và chị đã bỏ lỡ nhiều cơ hội nhận giải thưởng. Chị tâm sự: “Sau hơn hai mươi năm đi biểu diễn, giờ là lúc tôi muốn đem kinh nghiệm, kiến thức để đào tạo lớp ca sĩ kế tiếp”.
Với 18 năm trực tiếp giảng dạy, chị đã có công đào tạo nhiều ca sĩ thành danh (có nhiều học trò trở thành NSƯT như các ca sĩ Thái Hằng, Hải Yến, Nhật Thuận… nhiều người hiện đảm trách vị trí chủ chốt trong các đoàn văn công các quân khu và các tỉnh). Cô học trò yêu Uyên Linh đoạt Quán quân Vietnam Idol 2010. Cô học trò cưng Hà Linh đoạt giải Nhất Sao Mai 2010. (NSƯT Bích Việt đã đoạt giải Nhất “Cuộc thi hát thính phòng” khu vực miền Bắc năm 1987 và giải Nhì toàn quốc)
“Thành tựu ca hát và đào tạo như vậy sao đợt phong danh hiệu NSND vừa qua không thấy tên chị?” - tôi lại thật thà hỏi. “NSƯT Bích Việt ngồi tựa lưng vào cây đàn piano mà thong thả nói: “Được mọi người yêu quý giọng hát của mình là vui rồi”.