Căng thẳng Nhật - Hàn phủ bóng lên G20
Nhật Bản trong hôm 22/11 đã tận dụng vị thế nước chủ nhà tổ chức Hội nghị G20 để bác bỏ một lời cảnh báo từ phía Hàn Quốc về phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima, trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng giữa hai nước láng giềng đe dọa sẽ phủ bóng mờ lên Hội nghị lần này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Đại hội đồng LHQ, tháng 9/2018. Nguồn: Kyodo.
Thêm vấn đề tranh chấp
Các Ngoại trưởng đến từ nhóm G20 đã tụ họp tại thành phố Nagoya ở miền Trung Nhật Bản để tham gia 2 ngày đối thoại, giữa lúc mà một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang sắp sửa hết hiệu lực.
Trong một tín hiệu cho thấy rõ bất đồng giữa hai nước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đến giờ vẫn chưa xác nhận rằng bà có tới tham dự Hội nghị lần này hay không, dù cho một nguồn tin ngoại giao trước đó nói với Reuters rằng bà sẽ đến Nagoya vào cuối ngày 22/11.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - cả hai đều là đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á - đã gia tăng trong những tháng gần đây do tranh chấp bắt nguồn từ quá khứ, gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương và nhiều lĩnh vực khác.
Trong hôm 22/11, phía Hàn Quốc bất ngờ nêu quan ngại về vấn đề ô nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản - bắt đầu kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần năm 2011 - tuy nhiên, lời cảnh báo lập tức bị phía Nhật Bản bác bỏ.
“Hãy nói với những người bạn Hàn Quốc của các bạn rằng điều này không phải sự thật” - Reuter dẫn lời một quan chức Chính phủ Nhật Bản nói trong lúc người này đang phát một cuốn sách nhỏ có tiêu đề “Dẹp tan những lời đồn thổi vô căn cứ”, trong đó nói rằng cá và các sản phẩm nông sản của Fukushima là an toàn.
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt nguồn từ bất đồng kéo dài nhiều thập kỷ qua liên quan tới việc bồi thường cho lao động ép buộc là người Hàn Quốc trong thời kỳ Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên trong Thế chiến II. Bất đồng càng gia tăng trong năm nay khi Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu quan trọng trong sản xuất chip bộ nhớ sang Hàn Quốc, gây gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Phía Hàn Quốc mới đây phản ứng bằng cách nêu quan ngại về tình trạng ô nhiễm phóng xạ ở nhà máy điện Fukushima, nằm ở bờ biển phía Đông nước Nhật. Người đứng đầu cơ quan an toàn hạt nhân Hàn Quốc từng cho rằng phía Nhật Bản không chịu cung cấp thông tin về lượng nước nhiễm phóng xạ rò rỉ từ nhà máy này, từ đó gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát hậu quả.
Hiệp ước an ninh 3 bên hết hạn
Cũng trong cùng ngày, phía Hàn Quốc đánh tiếng rằng họ sẽ chấm dứt Hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản, bất chấp nỗ lực hòa giải của Mỹ. Chính quyền Washington trước đó đã tăng cường sức ép để Seoul duy trì Hiệp ước quan trọng này trong hợp tác an ninh 3 bên.
Việc kết thúc GSOMIA có thể sẽ làm gia tăng bất đồng giữa Hàn Quốc và Mỹ - vốn muốn hai nước đồng minh châu Á của mình loại bỏ tranh cãi song phương ra khỏi lĩnh vực hợp tác an ninh. Seoul đã báo trước cho Tokyo 3 tháng, tức từ hồi tháng 8 năm nay, về việc chấm dứt GSOMIA sau khi Tokyo áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vật liệu quan trọng sang Hàn Quốc.
GSOMIA sẽ hết hiệu lực vào ngày hôm nay (23/11) nếu thỏa thuận này không được Hàn - Nhật gia hạn. Hiện cả hai bên đều không có động thái gì, với việc Seoul vẫn một mực hối thúc Tokyo trước hết phải dỡ bỏ các quy định về thương mại của mình. Còn Nhật Bản đã kêu gọi duy trì GSOMIA.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cũng đã đã rút ngắn chuyến thăm Arab Saudi và trở về nước trước thời gian dự kiến. Theo các quan chức Bộ trên, ông Jeong đã có kế hoạch ở lại quốc gia Trung Đông đến ngày 23/11. Tuy nhiên, ông đã trở về nước sớm hơn 1 ngày so với lịch trình “vì một phần hành trình của ông đã bị thay đổi do hoàn cảnh ở Arab Saudi”.
Một số người suy đoán rằng, sự trở về sớm của ông Jeong có liên quan đến GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, dự kiến hết hạn vào ngày 23/11 trừ khi hai bên tìm được bước đột phá về vấn đề này.