Lấp khoảng trống pháp lý trong thương mại điện tử

Duy Phương 23/11/2019 07:51

Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, để lĩnh vực đặc thù này phát triển ổn định, rất cần có khung pháp lý “chuẩn” cho thương mại điện tử, bởi theo giới chuyên gia khung pháp lý hiện nay còn nhiều khoảng trống.

Lấp khoảng trống pháp lý trong thương mại điện tử

Thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Niềm tin chưa cao

Khoảng 2,3 năm trở lại đây, thương mại điện tử đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của loại hình này đang tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt. DN Việt đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2018 toàn ngành thương mại điện tử của Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng là 30% so với năm 2017, bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với thương mại điện tử ở Việt Nam khi mà các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế phương thức kinh doanh truyền thống.

Việt Nam có thế mạnh dân số trẻ, lượng người dùng smartphone ngày càng gia tăng, do đó được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ (CID), so với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn ở bước đầu của giai đoạn phát triển.

Theo các chuyên gia, việc chúng ta ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặt ra những yêu cầu cấp bách cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như khung pháp lý đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngay cả tại thị trường trong nước, làm sao để tạo lòng tin cho người tiêu dùng đối với lĩnh vực này, cũng rất cần sự hoàn thiện của hạ tầng cơ sở cũng như khung pháp lý.

Đơn cử, ví điện tử đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Hiện ở Việt Nam có đến hơn 20 loại ví điện tử nhưng nhiều khi khách hàng vẫn khó khăn khi thanh toán cho các nhu cầu đa dạng của mình. Việc thanh toán chưa thuận tiện khiến người có nhu cầu buộc phải sử dụng cùng một lúc nhiều loại ví điện tử. Thực tế này cũng giống như với thẻ ATM những năm trước đây là muốn rút tiền phải ra đúng máy ATM của ngân hàng đó để rút thẻ.

Ở một khía cạnh khác, do thiếu tin tưởng nên phần lớn người tiêu dùng hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán COD (giao hàng thu tiền) thay vì thanh toán trực tuyến khi mua hàng hoá online. Đây là câu chuyện cần phải cải thiện mạnh nhất đối với sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.

Lấp khoảng trống pháp lý

Theo ông Bùi Huy Hoàng, chúng ta cần lấp nhiều khoảng trống pháp lý đang tồn tại hiện nay trong lĩnh vực này. Mặc dù thời gian qua, nhà quản lý đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành này, tuy nhiên, thực tế cái cần nhất đó là Luật về thương mại điện tử chưa có. “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số là một phần rất quan trọng trong công việc liên quan đến vấn đề này được Bộ Công thương xác định trong thời gian tới đây” – ông Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử, các hạ tầng phụ trợ cho lĩnh vực đặc thù này cần được đẩy mạnh phát triển đồng bộ, song song. Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), ngoài việc hoàn thiện hạ tầng pháp lý, hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia cũng cần tiếp tục được hoàn thiện, tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử.

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), xử lý các vi phạm trên không gian mạng đang trở thành vấn đề khá nan giải, khó kiểm soát nhất là trong bối cảnh hiện nay, buôn bán kinh doanh trên mạng đang rất dễ dàng, chưa có gì ràng buộc các cơ sở kinh doanh trên internet về trách nhiệm pháp lý. Do đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường cần có một chiến dịch đủ mạnh với Thương mại điện tử. Cục này cho biết, từ nay đến hết năm 2020, sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này với các địa bàn trọng điểm gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Lĩnh vực trọng điểm được xác định gồm các mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép.

Duy Phương