Kiểm tra việc xử lý văn bản trái luật
Ngày 22/11, tại Bộ Tư pháp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 12 bộ để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc xử lý kết quả sau kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa.
Chủ trì buổi làm việc theo phân công của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc - thành viên Tổ công tác, cho biết trong thời gian qua, hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng văn bản không hợp pháp, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2017 tới nay, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, công tác “hậu kiểm” này đã có những chuyển biến tích cực với những kết quả cụ thể.
Trong công tác xây dựng pháp luật, hoạt động thẩm định, kiểm tra văn bản có ý nghĩa là công cụ “tiền kiểm” nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là công cụ có tính chất hậu kiểm nhằm phát hiện văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục dẫn đến thay vì tạo thuận lợi lại làm chậm hoặc cản trở những nỗ lực tốt đẹp.
“Sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là những vấn đề đã được nói tới nhiều trong thời gian qua. Nếu chúng ta làm tốt, làm đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật này thì chắc bức tranh đã khác, doanh nghiệp và người dân đã không phải than phiền nhiều về pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng đã không phải có nhiều chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể để làm tốt hơn công tác hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật” - Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu.
Theo ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, hiện cả nước có hơn 200 luật, khoảng 2.000 nghị định và hơn 6.000 thông tư có hiệu lực, mỗi năm các bộ ban hành khoảng hơn 1.000 thông tư. Hiện vẫn tồn tại tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật sai về nội dung, thẩm quyền, căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật và về trình tự, thủ tục ban hành. Trong đó, đáng quan tâm là những điểm sai về nội dung và thẩm quyền. Từ năm 2016 tới nay, các cơ quan trên cả nước đã kiểm tra hơn 86.000 văn bản, quy phạm pháp luật, phát hiện 1.958 văn bản có sự không phù hợp về nội dung và thẩm quyền.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, rà soát văn bản cũng có những điểm yếu. Hiện cả nước có khoảng 23.000 cơ quan có trách nhiệm làm việc này nhưng hoạt động cả hệ thống chưa đều, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Việc phát hiện một số văn bản có quy định trái pháp luật chưa kịp thời, có trường hợp gây ra hậu quả rồi mới xem xét xử lý và xử lý cũng không kịp thời. Việc xác định và khắc phục hậu quả còn gặp khó khăn, việc xử lý trách nhiệm nhìn chung mới dừng lại ở mức nhắc nhở.
Tại buổi làm việc, các bộ đã báo cáo về thực trạng ban hành văn bản trái pháp luật và tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát các văn bản, tình hình xử lý văn bản trái pháp luật, xác định hậu quả và biện pháp khắc phục.