Nghệ sĩ Võ Trân Châu: Kể các câu chuyện lịch sử theo cách riêng
Năm 2010, Võ Trân Châu lần đầu tiên tham gia trong triển lãm “Chị tôi” tại Sàn Art (TP HCM), đánh dấu những bước tiến sáng tạo không ngừng trên con đường nghệ thuật đương đại.
Trong 9 năm qua, các tác phẩm của Châu về không gian lịch sử đất nước, nét văn hóa dân tộc chứa đựng nhiều câu chuyện cá nhân, được ghép nối kỳ công thành những nét hình nổi ba chiều… không chỉ mang lại những cảm xúc cho người xem trong nước, mà còn chinh phục tình cảm công chúng HongKong, Trung Quốc, Ireland, Mỹ…
Nghệ sĩ Võ Trân Châu.
PV: Từ xưởng may thêu thủ công theo lối truyền thống của gia đình, cho đến sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, hành trình nghệ thuật của Châu đã diễn ra như thế nào?
Nghệ sĩ Võ Trân Châu: Châu phải tự nhận mình là người sống chậm, làm tác phẩm chậm, suy nghĩ chậm, nói cũng chậm, nên có lẽ hành trình nghệ thuật đã qua cũng khá là chậm rãi, nhưng lại quá sức may mắn khi gặp được rất nhiều người tuyệt vời trên con đường mình đi. Châu bắt đầu bằng những triển lãm nhóm ở các không gian nghệ thuật đương đại trong nước, đó là quãng thời gian Châu tìm tòi, học hỏi và thử sức mình với nghệ thuật đương đại. Đến giữa năm 2015, Châu được chọn tham gia chương trình lưu trú sáng tác tại Sanart Laboratory trong 6 tháng, ở đó Châu học được rất nhiều điều từ những chuyên gia cũng như nghệ sĩ quốc tế tham gia chương trình, và tác phẩm “Thuỷ ảnh” của Châu ra đời, điểm một nốt son quan trọng trong sự nghiệp của Châu. Cũng do duyên may, tác phẩm “Thuỷ ảnh” khi ấy đã gây ấn tượng gần như lập tức với một trong những Bộ sưu tập nghệ thuật đương đại lớn nhất Australia và các giám tuyển quốc tế, trong đó có một giám tuyển đến Việt Nam để tìm kiếm nghệ sĩ cho Triển lãm Đương đại lưỡng niên tại Ireland. Thế là Châu được vinh dự tham gia EVA International Ireland’s Biennial, để rồi sau đó, tên Châu lại được đứng cùng với các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới trong một triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế khác tại Trung Quốc... Trải qua những điều tuyệt vời ấy, Châu cũng mở mang được nhiều thứ và quyết định đi sâu hơn vào đề tài mình đã chọn. Châu bỏ ra hơn một năm tiếp theo để sáng tác tập trung và giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên của mình vào 2017. May mắn nối tiếp may mắn, và cũng thật xúc động, khi có một giám tuyển người Nhật đã nhìn thấy tác phẩm của Châu trong một bản tin trên internet đã cẩn thận in nó ra và cầm bản tin ấy đến Việt Nam để tìm gặp Châu, rồi sau đó là lời mời tham gia triển lãm mở màn cho Centre for Heritage, Arts & Textile tại Hong Kong. Châu đã dành hơn một năm để sáng tác tác phẩm cho triển lãm đặc biệt ấy. Đó là những dấu mốc đáng nhớ nhất trong quãng đường nghệ thuật của Châu cho đến nay. Châu đã rất may mắn khi luôn giữ cho mình một tình cảm đặc biệt không lu mờ với nghệ thuật và có được người bạn đời, cũng là nghệ sĩ, luôn đồng hành động viên cũng như giúp đỡ mỗi khi Châu gặp khó khăn.
Vì sao Châu sáng tạo tác phẩm từ chất liệu vải?
Khi bắt đầu thực hành nghệ thuật, Châu hiểu rằng mình phải tìm tòi chất liệu và hướng đi riêng cho mình để có thể đi sâu và dài hơi với con đường mình đã chọn. Châu cũng thử sáng tạo tác phẩm với các chất liệu tự nhiên, cotton, giấy báo, hay nghệ thuật trình diễn... Rồi dần dần Châu tự nhận ra rằng chất liệu mình hiểu biết nhất, sử dụng kỹ thuật trên nó tốt nhất và làm mình thấy dễ chịu nhất, đó chính là vải vóc, thứ thân thuộc và gắn bó với mình trong suốt nhiều năm qua. Ngoài ra, quần áo luôn là thứ mọi người sử dụng hàng ngày, nên Châu cũng nhận ra ở đó ẩn chứa rất nhiều những câu chuyện cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Từ đó, từng bước một, Châu sáng tạo và phát triển các tác phẩm dựa trên vải vóc, quần áo cũ theo nhiều cách khác nhau để kể các câu chuyện lịch sử theo cách riêng của mình.
Vì sao thông qua tác phẩm, Châu muốn kể câu chuyện về lịch sử, cụ thể là triều Nguyễn nơi kinh đô Huế?
Sau khi có con trai đầu lòng, Châu nhìn thấy sự nối tiếp đang từng ngày lớn lên, cũng là lúc Châu quay lại quan tâm nhiều hơn đến lịch sử và những điều đã qua. Lúc đó Châu nghĩ, nếu mình không cố gắng gìn giữ những giá trị của lịch sử, hay di sản... bằng cách này hay cách khác, thì đến những thế hệ sau sẽ rất khó để tiếp cận được chúng. Trong khi những gì xảy ra trong quá khứ, lịch sử hay di sản, lại chính là nền tảng tạo ra xã hội, văn hoá của ngày hôm nay. Có một lần tình cờ Châu đọc báo thấy viết về gia cảnh khó khăn của một người cháu ruột vua Thành Thái, lúc đó Châu tò mò và muốn tìm hiểu thêm về các hậu duệ triều Nguyễn cũng như những câu chuyện trong thăng trầm của triều đại cuối cùng ở Việt Nam. Rồi với những lần ra Huế, Châu tìm cách kết nối, gặp gỡ và được nghe những người hậu duệ triều Nguyễn kể chuyện, cộng với những tìm hiểu từ sách vở và kiến thức từ nhà sử học Trần Quang Đức, thế là từng cánh cửa một cứ dần mở ra, cuốn hút Châu một cách lạ kỳ. Từ đó, Châu quyết định kể lại lịch sử triều Nguyễn qua góc nhìn thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình.
Nhìn vào mỗi tác phẩm của Châu, có thể thấy sự kỳ công trong ấy. Châu đã mất thời gian bao lâu để có được tác phẩm, và quá trình thực hiện một số tác phẩm đã diễn ra như thế nào?
Tuỳ mỗi tác phẩm, không tính phần nghiên cứu và lên ý tưởng, tác phẩm của Châu mất khoảng từ 3 tuần đến 3 tháng thực hiện. Để gia công tác phẩm thường sẽ qua khá nhiều công đoạn, nhưng may mắn thay, Châu có được sự giúp sức nhiệt tình của những người phụ nữ tuyệt vời bên cạnh để thực hiện các tác phẩm lớn và phức tạp. Ví dụ như tác phẩm “Nhặt lá rừng xưa” vừa triển lãm ở Hong Kong năm nay. Sau khi Châu lên ý tưởng, thực địa, nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn hình ảnh, mẹ Châu là người giúp Châu những khâu đầu tiên đối với vật liệu, từ việc thu gom đồ cũ, phân loại theo chất liệu, màu vải, đến việc giặt, ủi và cắt thành những mảnh nhỏ, từ đó Châu sẽ lựa chọn, đánh dấu và sắp xếp các mảnh vải ấy sao cho ưng ý nhất, rồi đưa cho một cô thợ may tay tỉ mẩn hàng tháng trời... Cuối cùng, sau khi nhận lại tác phẩm, Châu và mẹ kiểm tra, chỉnh sửa và làm nốt những khâu cuối cùng là may viền và làm sạch chỉ thừa.
Tác phẩm Thủy ảnh (2016).
“Neo lại kỳ lâu” là triển lãm khiến người xem rung động và bàng hoàng bởi những nét hình nổi trên nền vải được khâu, may từ muôn mảnh vải, cảm giác như có thể chạm tay vào quá khứ vương quyền xưa?
Cám ơn lời nhận xét hết sức hào phóng của chị (cười). Về mặt kỹ thuật, Châu chỉ cố gắng chế tác tác phẩm bằng vật liệu mình có được một cách tử tế nhất có thể mà thôi.
Phải chăng chỉ riêng việc sử dụng vải được cắt từ những bộ quần áo của các hậu duệ nhà Nguyễn đã gây nên tác động mạnh?
Có thể nói đúng là như vậy. Vì ẩn sau những bộ quần áo đời thường ấy là bề dày những câu chuyện, những thăng trầm trong lịch sử cá nhân, từ đó có thể nhìn bao quát hơn về lịch sử của hoàng tộc và của cả đất nước.
Làm thế nào để Châu có được những bộ quần áo đó?
Mọi chuyện diễn ra với Châu khá là tự nhiên và suôn sẻ. Khi Châu dò hỏi những người bạn nghệ sĩ ở Huế về những người hậu duệ triều Nguyễn đang sống ở đó, người bạn đầu tiên giới thiệu cho Châu một người hậu duệ khả kính, Châu bắt đầu lân la hỏi chuyện và dần dần thân thiết… Rồi tiếp đó, qua những lời giới thiệu trong gia tộc, những mối quan hệ của Châu dần mở ra theo ngày tháng. Châu được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người hơn, được tham dự lễ chỉ dành riêng cho người trong gia tộc... Và với những mối quan hệ đó, Châu bắt đầu hỏi xin quần áo từ họ để làm tác phẩm, mọi người rất mở lòng và đáng quý.
Dự định của Châu về nghệ thuật trong thời gian tới?
Châu mới đi lưu trú sáng tác ở Hàn Quốc về và đang rốt ráo chuẩn bị cho triển lãm cá nhân ở đó vào cuối tháng này. Đồng thời, Châu cũng đang chạy nước rút cho triển lãm cá nhân với quy mô khá lớn ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Factory, TP HCM vào ngày 14/2/2020. Sau 2 triển lãm này, Châu sẽ lắng xuống một chút để bắt tay vào nghiên cứu, lên ý tưởng, cũng như thực hiện tác phẩm cho dự án mới, và có thể sẽ gặp lại mọi người trong một triển lãm cá nhân khác vào cuối năm 2021.
Cảm ơn Châu và chúc Châu đạt nhiều thành công, niềm vui trên con đường đã chọn!
Võ Trân Châu (sinh năm 1986 tại Bình Thuận), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, hiện đang sống và làm việc tại TP HCM.
Một số chương trình nghệ thuật đã tham gia: “Where the Sea Remembers”, The Mistake Room, Los Angeles, Mỹ, 2019; “Unfolding: Fabric of Our Life”, Centre for Heritage, Arts & Textile (CHAT)/MILL6, Hong Kong, 2019; “Người (được) ngắm”, Sàn Art, TP HCM, 2018; “Neo lại kỳ lâu”, Manzi Art Space, Hà Nội & Salon Saigon, TP HCM, 2017; “Toả”, Vincom Center for Contemporary Art (VCCA), Hà Nội, 2017; “Still (the) Barbarians”, EVA International: Ireland’s Biennial of Contemporary Art, Limerick, Ireland, 2016; “Suzhou Documents: Histories of a Global Hub”, Suzhou Art Museum, Suzhou, China, 2016; “Đồ/ Ảnh/ Ký”, Saigon Domaine, TP HCM, 2015; “March: Art walk”, Sao La, TP HCM, 2015; “Sương mù đen”, Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2015; “Nhỏ và mịn”, Nhà Sàn Studio, Hà Nội, 2014; “Sinh ra từ đất”, Sàn Art, TP HCM, 2011; “Chị tôi”, Sàn Art, TP HCM, 2010.