Gắn kết tranh Đông Hồ với giáo dục
Trong những năm qua, tranh Đông Hồ đã được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn khi xây dựng các dự án đưa tranh dân gian vào giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều do các tổ chức, cá nhân hoạt động riêng lẻ, tự phát, trong thời gian ngắn và mang tính thử nghiệm.
Một buổi học sinh tìm hiểu về tranh Đông Hồ.
Nặng về hình thức
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, dạy về di sản tranh dân gian cần tích hợp, có sự liên hệ với ngành văn học, lịch sử, khoa học… Tuy nhiên, điều này thường ít xảy ra, vì vậy bài dạy của giáo viên không đủ để thuyết phục học sinh nghe, nếu cứ tiếp tục duy trì theo thời gian chắc chắn thiếu chiều sâu, thậm chí dẫn tới giáo điều. Chính vì thực tế này, hiện nay hầu hết các học sinh đều chưa có sự trải nghiệm thực tế với các di sản, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Nếu có chỉ là có tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, làng nghề… tập trung nghe các cán bộ thuyết minh, trình bày xong hết giờ thì về. Hầu hết sau các chuyến đi nhà trường đều không có những yêu cầu cụ thể với học sinh tham gia mà chỉ là một hình thức “giải trí”, dã ngoại… Những nguyên nhân trên đã phần nào biến học sinh trở thành những người thụ động, thiếu chính kiến, thiếu tư duy phản biện nên khi tiếp cận tranh dân gian Đông Hồ thường rất hời hợt.
Có thể thấy, việc giáo dục di sản nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng hoàn toàn khác biệt với nền giáo dục tiên tiến nước ngoài khi mà học sinh chú trọng việc đặt vấn đề của chính mình sau quá trình học tập nghệ thuật. Những bài luận về mỹ thuật của học sinh nước ngoài thường được đánh giá dựa trên độ sâu, sự mới mẻ và sự đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề. Ở đó, không phải là sự vặn vẹo, lý sự trong cách nghĩ, mà nó đòi hỏi học sinh cần phải đọc nhiều, đọc rộng và phải có chính kiến riêng về vấn đề mình nghiên cứu. Bởi vậy, kiến thức hiểu biết về văn hóa nghệ thuật học sinh nước ngoài thường rất đa dạng, đặc biệt là những kiến thức nền tảng. Trong khi đó hiện nay với học sinh Việt Nam mới chỉ có thể viết được những cảm nhận tranh dân gian Đông Hồ theo dàn ý phức tạp, áp dụng nhiều kỹ thuật viết lách rập khuôn mà thiếu sự sáng tạo và mở rộng. Chưa nhận thức được ý nghĩa và những triết lý trong tranh Đông Hồ nên chưa đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu mỹ thuật dân gian. Như vậy, rõ ràng quá trình giáo dục mỹ thuật dân gian của giáo viên và tiếp cận tìm hiểu nghệ thuật này của học sinh còn bị xem nhẹ.
Đa dạng để hấp dẫn
TS Mai Thị Thùy Hương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ của người giáo viên là phải truyền đạt lại được cho học sinh hiểu được những thông điệp mà tranh mang đến, từ đó rút ra được những bài học về giá trị sống, về nhân sinh quan cho riêng mình. Qua tiếp xúc với các tác phẩm tranh dân gian, học sinh càng thấu hiểu tài năng, trí tuệ của cha ông, thêm yêu quý và tự hào về những di sản văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, để làm được việc này, theo TS Hương, cần có những đề án xuyên suốt đưa di sản văn hóa phi vật thể vào hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học ở cả chương trình chính khóa và ngoại khóa. Trong đó Đề án phải tính đến nội dung giáo dục, phương thức truyền tải, hàm lượng truyền tải. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai cụ thể trong việc lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương để đưa vào giảng dạy. Trải nghiệm tranh dân gian Đông Hồ tại chính môi trường thực hành của nó cho học sinh ở các cấp học để nâng cao nhận thức, tạo ra sự hiểu biết, từ đó hình thành tình yêu đối với di sản văn hóa nói chung, tranh dân gian Đông Hồ nói riêng. Các trải nghiệm này nên được thực hiện thông qua việc cùng in tranh, việc làm giấy dó, hay tìm hiểu các sinh hoạt văn hóa gắn liền với nghề làm tranh. Đơn cử như “cái nôi” của tranh Đông Hồ là Bắc Ninh, cần có sự phối hợp giữa Sở GDĐT và Sở VHTTDL trong các hoạt động giáo dục cụ thể. Bắc Ninh không chỉ coi dân ca Quan họ Bắc Ninh mà còn cả tranh dân gian Đông Hồ là những di sản văn hóa nhất thiết phải được học, trải nghiệm trong nhà trường. “Các môn học chính khóa như Văn, Lịch sử, Địa lý có thể được giảng dạy thông qua những câu chuyện với những ý nghĩa cụ thể của từng bức tranh như Hứng dừa, Đánh ghen, Hình tượng lợn, gà, chuột, mèo… Các môn ngoại khóa là các giờ học trải nghiệm sáng tạo qua tập vẽ tranh, in tranh hay sáng tạo các tác phẩm mới trên nền các tác phẩm tranh truyền thống…”- TS Hương bày tỏ.
Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ là niềm tự hào, là nét đẹp của người Việt Nam. Những người làm quản lý văn hóa, giáo dục cần thay đổi những định kiến, quan niệm là giáo dục tranh dân gian Đông Hồ chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, học cho biết... mà cần xác định đó phải là giáo dục những giá trị tinh hoa dân tộc đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, ý thức bảo tồn và phát huy kho tàng mỹ thuật dân gian trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay…