Đừng nhân danh lòng từ thiện

Minh Quang 26/11/2019 07:10

Cách đây hơn 1 tuần, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã quyết định Công ty TNHH Tâm Việt giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật (gọi tắt là Trung tâm Tâm Việt) phải chấm dứt hoạt động tiếp nhận, nuôi, dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ.Trước đó, trung tâm này đã bị các phụ huynh phản ánh nhân danh việc làm từ thiện để lợi dụng trẻ tự kỷ và gia đình của những đứa trẻ kém may mắn.

Theo kết luận, Trung tâm này hoạt động trái phép, không có chức năng trợ giúp xã hội. Điều đáng nói là nhân danh lòng từ thiện, làm phước với những trẻ mắc chứng tự kỷ, song cách dạy học ở Trung tâm này lại thêm một lần khiến những đứa trẻ ấy thiệt thòi. Thậm chí có những đứa trẻ đã chết bởi cách dạy dỗ ở đây mà không kịp nhìn mặt cha mẹ.

Tôi đã từng tham gia diễn đàn Web trẻ thơ, biết đến một diễn đàn riêng dành cho các cha mẹ có con bị tự kỷ. Trên diễn đàn ấy, tùy mức độ nặng/nhẹ về hội chứng của con mà người ta quan tâm đến việc cho con uống thuốc gì, liều lượng ra sao; chữa chạy cho con ở bệnh viện nào, theo học ở trung tâm nào; thậm chí họ còn mách nhau “bán khoán” cho con ở chùa nào để mong sự tốt đẹp đến với con. Cũng không thể trách các phụ huynh không tìm hiểu kỹ về trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ để rồi “gửi trứng cho ác”. Bởi đa phần trong số những cha mẹ có con tự kỷ đều đến từ các vùng quê nghèo, lo chạy ăn từng bữa còn khó nói chi đến việc bỏ ra mỗi tháng dăm triệu đồng chữa trị cho con. Có những bà mẹ nông dân đã thốt lên: Thấy họ mách chỗ này, chỗ nọ chăm sóc và nuôi dưỡng tốt lắm thì chúng tôi tìm đến… đâu có nhiều thông tin mà tham khảo như người ở thành phố…

Nghe những lời gan ruột ấy mà chạnh lòng. Quả là việc chăm sóc chuyên biệt trẻ tự kỷ hiện đang là vấn đề nan giải. Hiện thực tế trẻ tự kỷ bị từ chối học ở các trường công lập là có thật. Vì lẽ đó, nhiều cha mẹ đã tìm đến các trường dân lập, để mong nhà trường không vì bệnh thành tích mà nhận các cháu… Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng hòa nhập, và đa phần việc học hành của các cháu cũng chỉ dừng lại ở bậc tiểu học. Thời điểm này chính là lúc khiến các bậc cha mẹ đau đầu nhất. Cho con nghỉ học hay là đi học tiếp? Học tiếp thì sẽ học ở đâu? Thời gian qua, những trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ mở ra tự phát chính là cứu cánh cho các bậc cha mẹ. Nhưng nhân danh từ thiện, làm phước nuôi dưỡng, chăm sóc, đào tạo trẻ tự kỷ khi chưa được cấp phép, đội ngũ giáo viên giảng dạy chưa đủ trình độ chuyên môn như cách làm của Trung tâm Tâm Việt thì không thể chấp nhận. Cách làm như thế là sự lợi dụng lòng tin của các bậc phụ huynh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTBXH chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ để đảm bảo quyền của trẻ em; kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ. Động thái này ít nhiều khiến các bậc phụ huynh nhen nhóm hi vọng. Tuy nhiên từ văn bản đến thực tế vẫn là một khoảng cách, bởi giáo dục trẻ tự kỷ hiện đang chồng chất khó khăn.

Từ năm 1999, Bộ GDĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, nhưng sự quan tâm của Bộ GDĐT mới chỉ chạm đến những trẻ khuyết tật về cơ thể, chưa tiếp cận được với trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi... Một số tỉnh thành đã đặt ra vấn đề “không được từ chối tiếp nhận học sinh khuyết tật” nhưng cái khó là các trường không đủ điều kiện, nhân lực, không có phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi nên hầu hết trẻ tự kỷ ở các địa phương tuy được nhận vào các trường công nhưng đều không thực sự được hòa nhập…

Hiện một số trường như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM có Khoa Giáo dục đặc biệt, trong đó đào tạo giáo viên có chuyên môn để dạy can thiệp các lớp này. Ngoài ra, có 3 trường CĐ gồm: Mẫu giáo Trung ương ở Hà Nội, Nha Trang, TP HCM cũng có chuyên ngành này. Tuy nhiên, hàng năm số lượng giáo viên ra trường không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội, do số lượng trẻ tự kỷ ngày càng nhiều.

Điều đáng nói, trong khi ngành LĐTBXH cho rằng người mắc chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật được hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước, thì đại diện Bộ Y tế cho rằng tự kỷ là một loại bệnh cần phải được chăm sóc. Ngay trong cách hiểu còn “vênh” nhau ấy, cũng dẫn đến những cái khó trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ. Do đó, để trẻ tự kỷ được các cơ quan chuyên môn và hoạch định chính sách xem xét, trước hết cần phải có sự thống nhất từ nhận thức. Có như vậy, những người mắc chứng tự kỷ nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng mới có cơ hội được hưởng đầy đủ các chính sách ưu tiên và chế độ hỗ trợ y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội một cách cần thiết.

Minh Quang